Một hội thảo khoa học về lựa chọn công nghệ thẻ thông minh (Smart Card) dùng chung cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TPHCM vừa được Sở KH-CN TP và Sở GTVT TP tổ chức nhằm đánh giá công nghệ này, đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, các đơn vị điều hành xe khách công cộng và các công ty cung cấp giải pháp thẻ thông minh.
Cũng chính vì thế, hội thảo đề ra tiêu chí để lựa chọn công nghệ phải hiện đại, đơn giản, không lạc hậu theo thời gian, dễ quản lý, sử dụng và bảo trì. Đồng thời ưu tiên các công nghệ mà Việt Nam có thể làm chủ để tích hợp hoặc thay thế khi cần thiết.
Trước đó, vào tháng 3-2010, Sở GTVT đã thử nghiệm thẻ xe buýt thông minh trên 2 tuyến xe buýt số 1 và 27. Đây là loại thẻ được làm bằng nhựa, có gắn chip để quản lý thông tin hành khách cùng với các số lượt đi, do một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng tư vấn. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thử nghiệm, kết quả không được như mong đợi.
Tại hội thảo, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Trong quá trình thử nghiệm, nhận thấy công nghệ này hoàn toàn có khả năng áp dụng trên toàn tuyến và có khả năng thu được 100 triệu USD từ tiền bán vé. Tuy nhiên, do còn ở giai đoạn thử nghiệm, dữ liệu của khách hàng được lưu giữ trên xe buýt chỉ được lấy về trung tâm điều hành vào cuối ngày bằng phương pháp thủ công.
Hơn nữa, chưa có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng thẻ thông minh, nên kết quả thử nghiệm chưa thể đánh giá hết khả năng của loại công nghệ này”.
Hiện có 4 loại công nghệ chính được áp dụng phổ biến trên thế giới là RFID, NFC, Felica và Miface. Tuy nhiên cần đánh giá mức độ tương thích với khả năng quản lý, khai thác và đặc biệt là kinh phí của ta. TS. Trần Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm giải pháp CNTT FPT cho rằng: “Ở nước ngoài, công nghệ Miface đã bị bẻ khóa trong 1-2 năm trở lại đây, cho nên tính bảo mật thông tin và tài khoản khách hàng trên thẻ có thể gặp nguy hiểm. Trong khi đó Felica của Công ty điện tử Sony không phải là hệ thống mở cho người sử dụng. Muốn tích hợp hoặc thay thế thiết bị phải phụ thuộc vào Sony. Cần phải cân nhắc kỹ, nhất là khi tuyến đường sắt Metro số 1 đang được tư vấn áp dụng công nghệ này của Sony”.
Cũng tại hội thảo, FPT cam kết có thể mã hóa được dữ liệu khách hàng ở mức độ bảo mật cao, không phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi, Đại diện Đại học Bách Khoa TPHCM cho biết có thể sản xuất và làm chủ được được công nghệ thẻ thông minh RFID…
Theo Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân, TP sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực trong nước, đồng thời những công nghệ được lựa chọn phải là những cái ta sẵn sàng làm chủ nó. Vì thế, sắp tới, Sở KH-CN TP sẽ chủ trì, cùng các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác, tập hợp các công ty, doanh nghiệp trong nước để đánh giá kỹ hơn từng loại công nghệ trước khi trình UBND TPHCM phê duyệt.
TƯỜNG HÂN