Tìm giá trị mới cho công nghệ thông tin

Khẳng định giá trị
Tìm giá trị mới cho công nghệ thông tin

Ngày 29-8, tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM), Hội thảo “Toàn cảnh thị trường và công nghệ” do Hội Tin học TPHCM và Tập đoàn dữ liệu IDG tổ chức (sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam 2012) cho thấy công nghiệp CNTT (CNCNTT) tiếp tục tạo ra những giá trị kinh tế xã hội nhưng để phát triển trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn hiện nay cũng như phù hợp với xu hướng phát triển, rất cần tìm đến những giá trị mới, đó là dịch vụ công nghiệp truyền thông số.

Nhu cầu người tiêu dùng hướng mạnh đến sản phẩm smartphone, máy tính bảng.

Nhu cầu người tiêu dùng hướng mạnh đến sản phẩm smartphone, máy tính bảng.

Khẳng định giá trị

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT), CNCNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, với tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP. Tổng doanh thu ngành CNCNTT năm 2011 tăng 79% so với năm 2010, đạt 13,7 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng cao của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với doanh thu chiếm tới 82 % tổng doanh thu ngành.

Cụ thể công nghiệp phần cứng điện tử đạt doanh thu 11,3 tỷ USD, tăng 101% so với năm 2010, chiếm 82 % tổng doanh thu của ngành CNCNTT. Đó là nhờ sự đóng góp từ doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp như Samsung, Canon, Panasonic, Foxcomm, Nokia… do đã hoàn thành xây dựng các nhà máy mới và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm phần cứng, điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm, linh kiện điện tử và thiết bị viễn thông đạt trên 10,89 tỷ USD, tăng trên 92,2% so với năm 2010. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu 428 triệu USD. Nhóm mặt hàng điện thoại di động có doanh thu xuất khẩu cao nhất, với 60% tổng kim ngạch.

Đặc biệt trong lĩnh vực nội dung số, hiện có gần 500 doanh nghiệp tham gia thị trường nội dung số với hơn 60.000  lao động, tăng gần 9.000 lao động trong năm 2011. Đây cũng là lĩnh vực vẫn đạt được tăng trưởng mạnh về năng suất (19.352 USD/người/năm) và mức lương bình quân (5.267 USD/người/năm). Lĩnh vực nội dung số dù vẫn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song tốc độ tăng trưởng vẫn rất ấn tượng. Năm 2011, doanh thu lĩnh vực này tăng 25% so với năm 2010, đạt 1,16 tỷ USD. Ông Nguyễn Trọng Đường  cũng cho biết, sự tăng trưởng này phần nhiều là do doanh thu dịch vụ nội dung trên mạng di động, nội dung trực tuyến và nội dung trên mạng di động được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh…

Phát triển theo hướng nào?

Qua một cuộc khảo sát gần 300 danh nghiệp tại TPHCM của Hội Tin học TPHCM cho thấy, doanh thu toàn ngành CNCNTT đóng góp khoảng 18% GDP (2011) của TP. Điều này đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng của CNCNTT.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phần cứng, điện tử trong nước đang trong xu hướng thoái trào, nhường lại vị trí độc tôn chiếm lĩnh của các doanh nghiệp FDI. Cho nên hướng sản xuất kinh doanh các sản phẩm máy tính bảng và thiết bị di động là định hướng cần xem xét đối với doanh  nghiệp phần cứng. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng: Mức độ đầu tư vốn của các DN CNTT nói chung là quá thấp ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng. Hầu hết các sản phẩm và dịch vụ chưa tiếp cận xu hướng công nghệ mới để phù hợp với các thiết bị di động, điện toán đám mây, mã nguồn mở…

Có thể nói “xu hướng phát triển dịch vụ công nghiệp truyền thông số cho thị trường Việt Nam” của ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN đã khơi gợi hướng phát triển khá phù hợp với TPHCM. Phát triển dịch vụ công nghiệp truyền thông số thể hiện khá rõ qua xu hướng tiêu dùng hàng công nghệ, người mua hướng đến các sản phẩm đa chức năng như máy tính bảng, smartphone để ứng dụng các tương tác truyền thông số chứ không nhất thiết là máy tính.

Thị phần mạng xã hội cũng cho thấy, các mạng xã hội của Việt Nam chiếm 30%, còn lại 70% là của 5 mạng xã hội nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa, cơ hội cho mạng xã hội Việt Nam rất lớn nếu có những sản phẩm thuần Việt, tạo ra những giá trị văn hóa gần gũi.

Để phát triển, ông Lê Thanh Tâm cho rằng, các điều kiện cần thiết đã đầy đủ, vấn đề còn lại là chính sách cần cởi mở hơn để phát triển dịch vụ công nghiệp truyền thông số. Điều này hết sức cần thiết, có thể thấy qua ví dụ về việc mở cửa Internet: Những năm trước, đường truyền rất hạn chế và cước phí cực cao nhưng sau nhiều chính sách cởi mở, đường truyền Internet ngày nay đã rộng mở và cước phí phải chăng đã tạo ra những bước phát triển cho CNCNTT.

Cùng ngày, Hội Tin học TPHCM và Tập đoàn dữ liệu IDG trao giải thưởng tốp 5 và huy chương vàng CNTT-TT Việt Nam. Qua đó, đã xét chọn được 33 doanh nghiệp với 27 huy chương vàng và 32 cúp đơn vị hàng đầu Việt Nam ở các lĩnh vực: Đa ngành; phần cứng; máy tính thương hiệu Việt Nam; bán lẻ CNTT; tích hợp hệ thống CNTT; Internet, viễn thông; phát triển phần mềm; xuất khẩu phần mềm và dịch vụ; đào tạo CNTT.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục