Ngày 22-8, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Plan tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị toàn quốc về phòng chống xâm hại trẻ em. Thực tế trẻ em bị xâm hại tình dục cũng như trẻ em bị hành hạ đã được đưa ra mổ xẻ nhằm hạn chế tình trạng này trong thời gian tới…
Báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH trình bày tại hội nghị cho thấy, từ năm 2002 đến nay, số vụ xâm hại trẻ em, số đối tượng phạm tội và số trẻ em bị xâm hại luôn có chiều hướng gia tăng. Nhưng trên thực tế số vụ việc xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em còn cao hơn do có nhiều vụ việc không được gia đình nạn nhân khai báo, tố cáo đối tượng phạm tội vì mặc cảm, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Những vụ việc xâm hại trẻ em được xã hội biết tới mới chỉ là những vụ mà ngành công an đã điều tra và xử lý.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự, Bộ Công an, chỉ tính riêng trong 3 năm từ 2005-2007, cả nước đã xảy ra 5.070 vụ xâm hại trẻ em, bắt giữ 6.215 đối tượng, 5.188 trẻ em bị xâm hại. Trong đó án giết hại trẻ em chiếm 5,2%; án xâm hại tình dục trẻ em chiếm 56,3%; cố ý gây thương tích cho trẻ em chiếm gần 15% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Lý giải về nguyên nhân của việc gia tăng các vụ xâm hại trẻ em, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự cho rằng một trong nguyên nhân chính là sự suy thoái về nhân cách, đạo đức, lối sống buông thả, lười lao động, thích ăn chơi đua đòi hưởng thụ dẫn đến những dục vọng thấp hèn của một bộ phận người dân, nhất là thế hệ trẻ. Mặt khác, chính việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, chưa thật nghiêm đã tạo sơ hở để tội phạm lợi dụng xâm hại trẻ em.
Bên cạnh vấn đề trẻ em bị xâm hại gây căm phẫn trong cộng đồng, một vấn đề không hề đơn giản hiện nay đó là bạo lực tinh thần và thể chất đối với các em. Hiện nay việc sử dụng các hình phạt, các biện pháp giáo dục nghiêm khắc mang tính bạo lực, đặc biệt là bạo lực về tinh thần trong xã hội, gia đình, trường học còn khá phổ biến. Ông Lê Kiến Thiết (Viện nghiên cứu Thanh niên) cho rằng, hành vi dạy dỗ trẻ bằng đòn roi trong văn hóa người Việt được quan niệm là “yêu mới cho roi cho vọt”. Nhưng theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, thì đó là hành vi xâm hại trẻ em. Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng có quan điểm không nên áp dụng biện pháp giáo dục quá nghiêm khắc với trẻ, vì dễ dẫn đến hành vi bạo lực.
Quang Phương