Tìm hướng giải quyết thách thức an ninh châu Á

Tối 2-6, Đối thoại Shangri-La 2023, hội nghị an ninh châu Á thường niên đã khai mạc tại khách sạn Shangri-La, Singapore. Khoảng 500 đại biểu là các quan chức quốc phòng, an ninh, nhà nghiên cứu… đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự hội nghị lần thứ 20 này để thảo luận về những thách thức an ninh trong khu vực.
Lực lượng an ninh kiểm soát lối vào địa điểm tổ chức Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: Reuters

Lực lượng an ninh kiểm soát lối vào địa điểm tổ chức Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: Reuters

Thách thức từ không gian mạng

Tại Đối thoại Shangri-La năm nay (từ ngày 2 đến 4-6), Thủ tướng Australia Anthony Albanese, khách mời cấp cao nhất của hội nghị, đã có bài phát biểu khai mạc. Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) James Crabtree nhận định: “Australia đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh của châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Albanese đã cho thấy sự hợp tác chặt chẽ với các cường quốc trong khu vực. Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, quan điểm của ông về cách giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực sẽ được chú ý”.

Theo chương trình dự kiến do IISS - ban tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên - cung cấp, hội nghị có 7 phiên họp toàn thể, 6 phiên thảo luận với các chủ đề như: Tác động của an ninh mạng và cạnh tranh công nghệ; Những thách thức từ phát triển năng lực quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương; Vấn đề hạt nhân đối với an ninh khu vực; Hợp tác quốc phòng tại vùng Ấn Độ Dương… Tạp chí The Diplomat cho rằng, không gian mạng và các vấn đề công nghệ không thể bị giới hạn trong các lĩnh vực an ninh kinh tế. Triển vọng An ninh ASEAN 2021 (ASO 2021) coi các vấn đề không gian mạng là một phần của an ninh phi truyền thống. Tài liệu này cũng nhận định, các hoạt động không gian mạng và các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán lượng tử và siêu âm... sẽ tạo ra khía cạnh mới cho các thách thức an ninh khu vực.

ASO 2021 cũng nêu bật sự cần thiết của các quốc gia trong việc tận dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM+ để thảo luận và tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm khả năng xảy ra các tính toán quân sự sai lầm trong việc sử dụng không gian mạng và các công nghệ mới nổi.

Nhiều chủ đề được quan tâm

Xung đột tại Ukraine, chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên… sẽ là những chủ đề dự kiến được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mới thực sự là chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị lần này. Theo hãng tin Reuters, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi quan điểm của 2 siêu cường chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề. Hy vọng về hội nghị tại Singapore là cơ hội để Washington và Bắc Kinh hàn gắn quan hệ đã bị “dội gáo nước lạnh” khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối một cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.

Theo dự kiến, ông Lloyd Austin sẽ có bài phát biểu vào ngày 3-6, còn ông Lý Thượng Phúc sẽ có bài phát biểu vào ngày 4-6, ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La 2023. Giới quan sát nhận định đây sẽ là 2 bài phát biểu được đặc biệt quan tâm khi mà “cạnh tranh nước lớn” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày một gay gắt.

Tin cùng chuyên mục