Tính chuyện tương lai

Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã không thể làm nên chuyện trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2022, nhường bước cho bóng đá Thái Lan giành chức vô địch. Nhưng điều đó không có nghĩa cuộc hành trình cuối cùng của HLV Park Hang-seo cùng các học trò của mình bị xem là thất bại.

Thành hay bại trong bóng đá chỉ mang tính chất tương đối. Một trận thua duy nhất sau 8 trận không thể xóa đi tất cả công sức của tập thể vốn đã tạo ra một giai đoạn hưng thịnh bậc nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam.

Thất bại ở trận chung kết lượt về trước “kình địch” Thái Lan không dễ nuốt trôi, nhưng đừng quên là ở Asian Cup 2019 và vòng loại World Cup 2022, bóng đá Thái Lan cũng trải qua cảm giác còn cay đắng hơn nhiều khi chứng kiến Việt Nam trở thành lá cờ đầu của làng cầu khu vực trên những đấu trường có đẳng cấp cao hơn.

Liệu 2 chức vô địch AFF Cup liên tiếp có khiến Thái Lan nguôi ngoai nỗi buồn trước đó hay không? Chúng ta không biết, nên vì vậy, cũng đừng vội bi quan mà phủ nhận toàn bộ những thành công hơn 5 năm qua dưới “triều đại” của HLV Park Hang-seo.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi bị Thái Lan loại tại bán kết AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam đã có những trận đấu rất thành công trước Trung Quốc, Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022. Đội tuyển U22 Việt Nam đoạt HCV SEA Games lần thứ 2 liên tiếp và vượt qua vòng bảng giải U23 châu Á.

Không giống như các thời kỳ trước đây, tư tưởng “đập đi làm lại” không còn nữa. Sau thất bại, bóng đá Việt Nam có khả năng trở lại gần như ngay lập tức, tràn trề năng lượng và bảo đảm được tính kế thừa về con người. Không chỉ ở yếu tố chuyên môn mà ngay các dòng tiền đầu tư, tài trợ cho bóng đá đỉnh cao vẫn năm sau cao hơn năm trước, thể hiện niềm tin, sự lạc quan vào tương lai của bóng đá nước nhà. Sự ổn định cả trong lẫn ngoài sân cỏ ấy, là điều mà trước nay không có.

Thế nên, cuộc chia tay không như ý của HLV Park Hang-seo và thất bại ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 trước Thái Lan cũng chỉ là khép lại cánh cửa này và mở ra một cánh cửa khác. Hãy thử nhìn mọi việc theo hướng tích cực. HLV Park Hang-seo là một “tượng đài”, nhưng sau 5 năm làm việc, ít nhiều cũng đã chạm đến những giới hạn về chiến thuật cũng như lòng đam mê. Những chiến tích của ông để lại, vừa có thể là áp lực nhưng cũng có thể là điều đặc biệt để thúc đẩy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tìm một HLV có đẳng cấp cao hơn, tài năng hơn và quyết tâm vượt qua những cột mốc mà ông Park đã lập ra.

HLV Park Hang-seo có thể thất bại ở AFF Cup 2022 vì lối mòn trong cách dùng người, sử dụng đội hình quá cũ. Nhưng cũng vì thế mà ngoài kia, tại sân chơi V-League hoặc ở đội tuyển U23 đang có rất nhiều cầu thủ có chất lượng tương đương vẫn chưa được cống hiến cho quốc gia. Có thể họ sẽ là nhân tố mới dưới thời của HLV mới, với khao khát chơi bóng còn mạnh mẽ hơn lứa cầu thủ trong tay HLV Park Hang-seo.

Nói công bằng, thua một đối thủ có đẳng cấp như Thái Lan, không phải là việc quá tồi tệ. Trong 5 năm qua, bóng đá Việt Nam vượt lên nhưng không có nghĩa bóng đá Thái Lan kém phát triển. Số cầu thủ của họ ra nước ngoài thi đấu vẫn nhiều hơn, giải Thai-League của họ vẫn chuyên nghiệp hơn, và sự ổn định của họ đã kéo dài gần 3 thập niên chứ không trồi trụt theo biểu đồ hình sin như bóng đá Việt Nam.

Thay vì tiếc nuối, điều cần làm bây giờ là không được lãng phí phần nền móng vững vàng được xây bởi những thành tích hảo hạng dưới thời HLV Park Hang-seo. Đầu tiên, phải tìm ngay HLV mới với trình độ và khả năng am hiểu bóng đá Việt Nam, một “phiên bản Park Hang-seo” được nâng cấp. Kế đến, vẫn là vấn đề về con người với tính kế thừa, chiến lược trẻ hóa và khả năng hội nhập bóng đá thế giới của cầu thủ Việt Nam.

Cuối cùng, mang tính cốt lõi, đó là trong tầm nhìn về thành tích của đội tuyển quốc gia, về giấc mơ World Cup không thể thiếu chiến lược phát triển hệ thống thi đấu quốc gia, bắt đầu từ V-League cho đến những giải U, hay chi tiết hơn, là làm cho mặt sân vận động quốc gia Mỹ Đình xanh hơn, đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục