Tinh giản biên chế không ảnh hưởng đến quỹ lương của số lao động còn lại

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và 3 năm 2021-2023. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Nếu các cơ quan, đơn vị không giảm được biên chế kịp thời, quỹ lương sẽ ra sao và có ảnh hưởng gì đến những người không thuộc diện tinh giản, thưa ông?

Vụ trưởng VÕ THÀNH HƯNG: Những năm gần đây, việc xây dựng và giao dự toán ngân sách hàng năm đã gắn với yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo tinh thần các Nghị quyết số 18 (về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và Nghị quyết 19 (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 sẽ phải tiếp tục thực hiện yêu cầu này.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính)

Để thực hiện đồng bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hàng năm ban hành các quyết định giao chỉ tiêu biên chế hành chính, số lượng tối đa viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được chi thường xuyên. Tùy từng cơ quan, đơn vị, nhưng nhìn chung số lượng chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm đã bám sát yêu cầu tinh giản biên chế, giảm đối tượng hưởng lương trực tiếp từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần các nghị quyết 18, 19. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tài chính tính toán, giao dự toán chi cho phù hợp, từng bước cơ cấu lại ngân sách. 

Đối với một số cơ quan, đơn vị do tính chất đặc thù (như được giao thêm chức năng, nhiệm vụ, hoặc khối lượng công việc phát sinh tăng lớn như một số trường phổ thông, mầm non...) thì cơ quan có thẩm quyền có thể không giảm biên chế, thậm chí có thể bổ sung biên chế để đáp ứng yêu cầu công việc. Khi đó, dự toán chi NSNN cũng sẽ được tính toán tăng tương ứng.

Như vậy, có thể nói việc tinh giản biên chế sẽ không ảnh hưởng đến quỹ lương của số lao động còn lại. Thậm chí, theo tinh thần nghị quyết Trung ương, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập còn là điều kiện tiên quyết để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương cho các đối tượng lao động còn lại.

Dự thảo thông tư yêu cầu giảm quỹ tiền lương gắn với tinh giản biên chế. Bộ Tài chính làm thế nào để giám sát việc thực hiện? Trường hợp cơ quan, đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện thì chế tài là gì, thưa ông?

Khi trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính sẽ căn cứ quyết định giao chỉ tiêu biên chế của các cơ quan có thẩm quyền và như vậy là không tùy thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan này. Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế và dự toán ngân sách được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ giao chỉ tiêu biên chế và dự toán cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cũng áp dụng nguyên tắc nêu trên.

Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết 18 thời gian qua của các địa phương và Bộ Tài chính đã triển khai những biện pháp gì để hiện thực hóa Nghị quyết 18?

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình của địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, đến hết năm 2019, khối chính quyền ở địa phương (từ cấp huyện trở lên) đã giảm được trên 11% biên chế so với số được giao tại thời điểm trước 30-4-2015; khối cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố giảm gần 24%; đã cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí vào vị trí việc làm khác…

Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương xây dựng giảm dự toán quỹ lương, chi bộ máy hành chính và giảm chi hỗ trợ trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn lực tiết kiệm được chủ yếu dành để bổ sung nguồn cải cách tiền lương, tăng chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng, qua đó có đóng góp nhất định vào việc cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các địa phương rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Việc thực hiện ra sao, thưa ông?

Để giảm bớt tác động của dịch Covid-19, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp và người dân, đồng thời phản ánh thực tế về hạn chế đi lại, tăng cường sử dụng các phương pháp làm việc trực tuyến, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ, Quốc hội quyết định thực hiện cắt giảm một số khoản chi thường xuyên chưa thật cần thiết trong năm 2020. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp ngân sách và cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời cơ quan tài chính các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách xác định số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND cùng cấp để báo cáo thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp cuối năm, đồng thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên. Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính trước ngày 30-7 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện giữ lại tại ngân sách các cấp đối với số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm thêm.

Tin cùng chuyên mục