Thông tin về dịch cúm A/H1N1 được báo giới trong nước cập nhật hàng ngày. Tình hình đang xấu đi khi có thêm 60 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua. đặc biệt, trong ngày cuối tuần đã ghi nhận 3 ca trên chuyến tàu Thống Nhất từ TPHCM đi Hà Nội. Cùng những con số này là hàng loạt cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nguy cơ một nửa dân số thế giới có thể “dương tính” với virus A/H1N1 cũng như những hệ lụy từ nó. Song, có thật mọi sự đã vượt tầm kiểm soát và đã đến lúc chúng ta phải “cách ly” hoàn toàn với cuộc sống thường nhật?
Để làm rõ điều này, chúng ta phải tự đặt câu hỏi cúm A/H1N1 là gì? Thực chất cúm A/H1N1 đơn giản chỉ là cúm, là biến thể kế tiếp của virus H1N1 vốn dĩ đã “đột biến” thường xuyên. Và dù được đánh giá là “quá nguy hiểm” song đã là virus gây dịch bệnh thì con virus nào cũng nguy hiểm, cũng đều làm tổn hại thể trạng con người. Tuy nhiên, nếu điều trị đúng thì người nhiễm sẽ khỏi, chỉ trừ một số ít người kém may mắn do mắc thêm những bệnh mãn tính khác. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi đề cập đến dịch cúm A/H1N1, nhất là nên hạn chế dùng những từ mang tính chất chung chung như “có thể”, “có khả năng” hoặc “tiềm ẩn” vì dễ làm người dân hiểu sai bản chất vấn đề. Nguyên do có thể bởi sự “quá sốt sắng” của một số chuyên gia y tế thế giới khi đánh giá “cấp độ hiểm nguy” cũng như không loại trừ khả năng… tiếp thị cho các hãng dược mà doanh số tăng vùn vụt trong nhiều tháng qua bất chấp tình trạng khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu.
Để hiểu thêm, chúng ta thử lật lại một số “dự báo” dịch bệnh gần đây nhất để thấy rằng “dự báo” đã quá xa thực tế.
Trong những năm 1995 – 1997, loại dịch đáng sợ nhất là “bò điên” khởi nguồn từ Anh quốc. Lúc đó, các nhà khoa học hàng đầu đã làm dư luận hết hồn khi khẳng định con bò có thể gây bệnh “điên” cho khoảng 10 triệu người dân đảo quốc và kết cục Chính phủ Anh phải xóa sổ toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thịt cộng thêm 5 tỷ bảng đền bù cho các chủ trại chăn nuôi.
Sau đó là cơn hoảng loạn viêm phổi cấp SARS vào năm 2003. Lúc đó, theo lời một nhà khoa học, “xác suất là 25% ca tử vong trong 10 triệu người”. Và ngay lập tức báo chí vào cuộc mô tả rằng dịch này còn đáng sợ hơn HIV/AIDS. Nhưng kết cục chỉ có vài chục người tử vong, chủ yếu tại ổ dịch Hong Kong.
Tiếp theo là cúm gia cầm vào năm 2006. Trong dịch này, đáng chú ý là tuyên bố của một nhà bác học tên tuổi “đây sẽ là đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21” và WHO dự đoán có thể sẽ có tới 1/4 số người tử vong vì nó.
Nói thế để thấy rằng phòng chống dịch cúm A/H1N1 phải là ưu tiên hàng đầu, phải làm hết sức mình theo phương châm kiên quyết, cảnh giác cao độ, tỉnh táo nhưng không vì thế mà hoang mang, gây xáo trộn cho đời sống kinh tế - xã hội. Và đi đôi với các biện pháp cách ly, ngăn chặn nguồn lây, điều trị tập trung… của các cơ quan chức năng, cái quan trọng nhất là “tự cứu mình”, xác định “chung sống với dịch” theo khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang khi ra đường, tránh nơi tụ tập đông người, uống thêm vitamin C để tăng sức đề kháng của cơ thể… Và trong bất kỳ tình huống nào cũng phải tự nhủ rằng cần hết sức tỉnh táo để đối phó dù đó được công bố là đại dịch.
Bích An