Tổ chức giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi: Cần sự quan tâm đặc biệt

Việc không tổ chức giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi gây khó khăn lớn cho công nhân và người lao động. Bức xúc trên vừa được Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo TP phối hợp các quận, huyện nhanh chóng đề xuất giải pháp giải quyết. Làm sao để chỉ đạo này sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả? PV Báo SGGP đã trao đổi với NGƯT Trần Thị Ngọc Anh, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó công tác giáo dục mầm non.
Tổ chức giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi: Cần sự quan tâm đặc biệt

Việc không tổ chức giữ trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi gây khó khăn lớn cho công nhân và người lao động. Bức xúc trên vừa được Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo ngành giáo dục đào tạo TP phối hợp các quận, huyện nhanh chóng đề xuất giải pháp giải quyết. Làm sao để chỉ đạo này sớm đi vào cuộc sống và có hiệu quả? PV Báo SGGP đã trao đổi với NGƯT Trần Thị Ngọc Anh, nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó công tác giáo dục mầm non.

        Nhiều vấn đề cốt lõi sẽ được giải quyết

* Phóng viên: Mặc dù luật cho phép các trường mầm non công lập được tổ chức nuôi dạy trẻ từ 3 tháng tuổi nhưng thực tế hầu như không trường công lập nào ở TP tổ chức giữ trẻ từ lứa tuổi này, chủ yếu chỉ nhận giữ trẻ sau 18 tháng tuổi, đâu là nguyên nhân chính, thưa bà?

* Bà TRẦN THỊ NGỌC ANH:
Các trường công lập không nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, trước hết phải khẳng định do nhiều nguyên nhân khách quan. Cụ thể, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay tại các trường không đủ và không đảm bảo để tiếp nhận trẻ ở độ tuổi này, đặc biệt trẻ trên 18 tháng đến 5 tuổi nhu cầu đã quá lớn so với quy mô trường lớp hiện nay. Một phòng học diện tích lớn hơn 60m2 có thể tiếp nhận được 30 trẻ lớp mầm nhưng chỉ tiếp nhận được từ 6 đến 10 trẻ từ 6 tháng tuổi.

Ở nội thành, áp lực giữ trẻ trên 36 tháng đã không đảm bảo sĩ số trẻ/diện tích thì không thể nào có được mặt bằng thông thoáng để phục vụ tốt cho trẻ ở nhóm nhỏ. Mặt khác, trước đây, giáo viên sư phạm mầm non khi ra trường phải trải qua thời gian học tập và thi thực hành về kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ như cách cho trẻ bú, trẻ ăn, vệ sinh bé trai, bé gái, xử lý tình huống khi trẻ bị bệnh bất thường… Vì chỉ một tư thế sai của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến trẻ như bị gù lưng, vẹo cốt sống, đi hai hàng… Điểm tốt nghiệp ra trường của giáo viên tính cả lý thuyết lẫn thực hành nên khi về nhận nhiệm sở, giáo viên đều đảm nhận được bất kỳ lớp nào mà hiệu trưởng phân công. Trong khi đó, những năm gần đây, các trường mầm non công lập không nhận giữ trẻ ở nhóm tuổi nhỏ này nên đây cũng sẽ là hạn chế kiến thức và kỹ năng thực hành của giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới ra trường chưa có con nhỏ. Cường độ lao động của giáo viên cũng như trách nhiệm nuôi giữ nhóm trẻ nhỏ rất cao nhưng chế độ phụ cấp chưa đảm bảo…

* Chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải sẽ giải quyết được vấn đề gì về những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác nuôi giữ trẻ, đặc biệt với nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng?

* Tôi thấy chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy giải quyết được nhiều vấn đề lớn. Đặc biệt là việc dành quỹ đất, bố trí vốn đầu tư xây dựng trường mầm non tại các quận, huyện. Chỉ đạo thí điểm mô hình giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập đủ điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, để các bà mẹ sau thời gian hậu sản an tâm công tác. Theo chỉ đạo, Sở GĐ-ĐT phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn bổ sung bộ môn về lý thuyết và thực hành cho giáo viên mầm non để nắm chắc kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ. Vấn đề hiện nay là UBND TP phải khẩn trương chỉ đạo các sở ngành chức năng, các quận, huyện nhập cuộc để sớm triển khai vào cuộc sống.

Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5, TPHCM) hướng dẫn các cháu lớp lá làm quen với chữ. Ảnh: Mai Hải

Giáo viên Trường Mầm non Họa Mi 3 (quận 5, TPHCM) hướng dẫn các cháu lớp lá làm quen với chữ. Ảnh: Mai Hải

        Đột phá từ khâu nhân lực

* Cụ thể, sẽ đột phá vào những nội dung trọng tâm nào, thưa bà?

* Bên cạnh vấn đề rà soát, quy hoạch lại quỹ đất xây dựng các trường mầm non công lập phải được tiến hành khẩn trương thì các ngành tài chính, nội vụ cần cụ thể hóa biên chế nhân sự cho các trường mầm non. Bởi lẽ, tính toán nhân sự cho trường có tổ chức giữ nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi không thể như cấp biên chế nuôi giữ các trẻ trên 18 tháng; tính toán bổ sung kinh phí đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. TP đã có chủ trương, UBND quận, huyện cần làm việc với các KCX-KCN yêu cầu những doanh nghiệp có đông công nhân dành khoản kinh phí để xây dựng trường mầm non hoặc nhóm lớp mầm non đảm bảo đủ điều kiện để giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng cho con công nhân. Ngành giáo dục đào tạo sẽ tiếp sức đào tạo nguồn giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Bởi lẽ trẻ càng nhỏ thì điểm gửi trẻ phải gần nơi công tác của các bà mẹ để thuận tiện trong việc phối hợp chăm sóc.

Thực tế, thời gian qua các trường mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ tư thục đã tiếp sức rất lớn nhu cầu gửi trẻ rải rác ở nhóm tuổi nhỏ này. Do vậy, ngành giáo dục TP cần khảo sát tất cả những cơ sở đã được cấp phép để tạo điều kiện thuận lợi hơn thông qua việc hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng công tác quản lý ở những cơ sở này.

* Nuôi giữ trẻ nhóm tuổi nhỏ phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ vì bất kỳ một sơ suất nhỏ nào cũng có thể xảy ra sự cố cho trẻ. Làm thế nào để giải tỏa tâm lý cũng có nghĩa chia sẻ trách nhiệm với các trường?

* Đạo đức, kiến thức nghề nghiệp các cô có thể học hỏi và rèn luyện được nhưng những tình huống bất ngờ đôi lúc vẫn xảy ra đối với trẻ nhỏ. Do vậy, cần bố trí nhân lực y tế học đường là bác sĩ hoặc y sĩ tại trường mầm non để giải quyết kịp thời khi sự cố xảy ra, cũng là tạo sự yên tâm cho ban giám hiệu, giáo viên khi tiếp nhận nuôi giữ nhóm trẻ nhỏ này.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục