Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ đang lan truyền khắp thế giới khi có thêm nhiều nước tung tiền cứu các ngân hàng. Trong lúc đó, khoản cứu trợ tài chính 700 tỷ USD của chính phủ Mỹ đang có tín hiệu khá lạc quan khi các lãnh đạo Quốc hội và Nhà Trắng đã đồng ý về kế hoạch này. Thế nhưng, chi tiết thực hiện vẫn còn phải bàn thêm trước khi lưỡng viện Quốc hội thông qua.
Phát biểu sau khi có thỏa thuận, Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết đây là một quyết định khó khăn nhưng ông hy vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua, nếu không cái giá mà nền kinh tế Mỹ phải trả sẽ rất đắt. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng đây không thực sự là một kế hoạch cứu trợ Wall Street mà chỉ đơn thuần là tung tiền ra mua các tập đoàn tài chính yếu kém, kết quả là nền kinh tế vẫn tiếp tục bất ổn.
Nhiều nghị sĩ đồng ý với kế hoạch 700 tỷ USD nhưng phải chi làm 3 lần (250, 100 và 350 tỷ USD) để đánh giá cụ thể kết quả của từng giai đoạn. Điều này cũng tránh gây sốc khi phải chi tiền thuế của dân một lúc 700 tỷ USD.
Đi kèm với kế hoạch này là việc cắt giảm chi tiêu của các tập đoàn tài chính khi được cứu, nhất là các khoản lương cao bất hợp lý dành cho lãnh đạo các tập đoàn. Cùng ngày, tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết họ chuẩn bị mua lại tài sản của các ngân hàng gặp khủng hoảng trị giá lên tới 50 tỷ USD. Trước đó, Goldman và Morgan Stanley đã được chính phủ Mỹ cho phép trở thành các công ty kiểm soát ngân hàng (nghĩa là cho phép họ nhận tiền gửi).
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 29-9 công bố một khoản cho vay đặc biệt kéo dài 38 ngày nhằm cung cấp tiền mặt cho nhiều ngân hàng trung ương của các nước sử dụng đồng euro cân đối tài chính trong thời buổi khó khăn. Quan chức ngân hàng ba nước Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đạt thỏa thuận quốc hữu hóa từng phần tập đoàn bảo hiểm và ngân hàng Fortis đang bên bờ phá sản. Tại Anh, ngân hàng thế chấp hàng đầu của Anh Bradford & Bingley (B&B) sẽ được quốc hữu hóa và bán từng phần.
Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, ngân hàng Hypo Real Estate, một trong những ngân hàng lớn của Đức, cũng đang bên bờ phá sản. Các ngân hàng tư nhân ở Đức đang phải "chạy ngược chạy xuôi" tìm cách cứu thể chế tài chính này. Cho tới nay, ECB và các ngân hàng thành viên EU đã chi hàng trăm tỷ euro, USD, bảng Anh và nhiều ngoại tệ khác dưới dạng các khoản cho vay để giảm ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.
Tại châu Á, nội các Nhật Bản ngày 29-9 đã chính thức thông qua khoản ngân sách bổ sung 1,81 ngàn tỷ yên (17 tỷ USD) cho tài khóa 2008 nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nêu rõ nếu ngành tài chính Mỹ ‘’có vấn đề’’ thì sự an toàn và an ninh cho nguồn vốn của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Theo ông, để giải quyết những rối loạn tài chính và tránh một cuộc khủng hoảng, cộng đồng quốc tế cần hợp tác, thể hiện trước hết ở việc lãnh đạo các nước họp bàn thảo luận các giải pháp.
H.Q. tổng hợp