Tôn vinh thiên chức nhà giáo

Trong thời điểm Hội nghị Trung ương 6 họp bàn để đưa ra quyết sách giải quyết các vấn đề nóng bỏng về kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có việc đổi mới giáo dục, trên rất nhiều diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành giáo dục đã thể hiện những ý kiến tâm huyết đối với vấn đề đại sự này. Rất nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi chính sách đối với nhà giáo, cải cách công tác đào tạo giáo viên là giải pháp cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Vì chính đội ngũ này quyết định sự thành bại chiến lược giáo dục quốc gia.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bức xúc, mặc dù vai trò của người thầy đã được xã hội khẳng định nhưng cho đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo, khiến những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường đều không thực hiện đến nơi đến chốn.

Rất nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành trăn trở cho rằng trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên hiện nay là thầy cô giáo ở trường công lập gần như không còn động lực hoạt động nghề nghiệp vì thu nhập từ lương và phụ cấp không đủ bảo đảm cho họ có cuộc sống tươm tất. Để tự cứu mình, nhiều giáo viên phải dạy thêm. Trong khi đó, tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội đã tác động tiêu cực đến nhà trường và ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế xã hội của nghề giáo và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội.

Một thực tế rất đáng buồn được thể hiện qua kết quả của cuộc điều tra gần đây do Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam thực hiện, cho thấy 40% - 60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn cho rằng, nếu được chọn lại nghề thì họ sẽ không làm nghề dạy học; còn học sinh khá, giỏi thì không thi vào sư phạm. Căn nguyên chính ai cũng biết là do nghề này lương thấp, thu nhập bèo bọt so với các ngành nghề thời thượng khác.

Bàn về vấn đề tiền lương nhà giáo, PGS Đặng Quốc Bảo thẳng thắn cho rằng, có một thời do thiển cận, những người làm chính sách kinh tế lao động đối với giáo viên đã không thấy hết sứ mệnh thiêng liêng của người thầy, vô hình trung dùng thang lương thông thường, đã đẩy giáo viên vào hoàn cảnh mất động lực sáng tạo, yêu nghề. Mà không có thầy cô giỏi, những nhà giáo tâm huyết thì hệ quả sẽ không có nhân cách, nhân lực tốt phục vụ đất nước.

Một nền giáo dục mà bị người giỏi quay lưng chắc chắn không thể hy vọng vào việc cải thiện chất lượng chứ đừng nói đến nâng cao chất lượng. Chính vì vậy, GS Hoàng Tụy khi nêu những kiến nghị về cải cách giáo dục đã cho rằng, vấn đề cấp bách số 1 cần giải quyết là phải cải thiện chính sách đối với người thầy. Bởi lẽ, lương thấp đương nhiên nhà giáo phải xoay xở để kiếm thêm thu nhập, và chính đó là lỗ hổng quản lý gây nên hoặc làm trầm trọng thêm hầu hết các căn bệnh trầm kha đã ra sức tàn phá giáo dục. Sự thật, nhờ xoay xở đủ mọi cách hợp pháp hay không hợp pháp, hợp lý hay trái với lương tâm, phần lớn nhà giáo, nhất là quan chức giáo dục, nay đã có mức sống không đến nỗi quá tệ, thậm chí một bộ phận nhỏ còn có thu nhập khá. Song cái giá phải trả thật quá đắt.

Thu nhập của nhà giáo không còn là chuyện mới, ngược lại đã được xới xáo hàng chục năm nay. Nhưng tại thời điểm này, khi Đảng ta đang đứng trước thời điểm ra quyết định về đổi mới giáo dục, vấn đề này càng được đặt ra một cách bức thiết. Để có một đội ngũ nhà giáo đủ tâm đủ tầm cần tới nhiều giải pháp, nhưng đầu tiên vẫn phải là việc sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp, bảo đảm để họ và gia đình có mức sống cao hơn mức sống trung bình trong xã hội.

Thậm chí, chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo phải thể hiện sự ưu đãi so với các công chức/viên chức tương đương về trình độ đào tạo. Chỉ khi các chế độ về phúc lợi với nhà giáo cũng như điều kiện làm việc của họ được cải thiện thì nhà giáo mới có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách chuyên nghiệp. Đó cũng là lý do mà Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Hà Nội đã đề nghị Hội nghị Trung ương 6 xem xét tách hệ thống lương giáo viên ra khỏi hệ thống lương hành chính sự nghiệp trong việc cải cách lương sắp tới như các nước đã làm.

Theo PGS Mạc Văn Trang, dù vẫn biết, ai muốn kinh doanh, làm đại gia thì đừng chọn nghề giáo. Đã làm thầy giáo thì phải chấp nhận sống thanh bần lạc đạo, nhưng xã hội phải luôn bảo đảm cho họ có vị thế xã hội xứng đáng với sự tôn trọng của học sinh và phụ huynh. Họ phải đủ sống bằng lương để không được làm những công việc tổn hại đến uy tín nhà giáo trước xã hội. Đó cũng chính là điều xã hội đang trông đợi vào những người làm chính sách này lĩnh hội và thấu hiểu thông điệp của nhà văn hóa vĩ đại Ấn Độ R.Tagor “Đầu tư vào những công dân biết cách làm thầy sẽ được những thế hệ xứng đáng cho đất nước”.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục