TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện không thiếu thuốc điều trị

TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện không thiếu thuốc điều trị

* Xử lý nghiêm việc đơn phương ngưng cung cấp thuốc

Đây là khẳng định của nhiều giám đốc bệnh viện (BV) và của cơ quan chủ quản (Sở Y tế TPHCM) trước thông tin cho rằng: Do biến động giá cả, nhiều doanh nghiệp dược phẩm (DN) sẽ ngưng cung ứng thuốc theo hợp đồng thầu 2008 dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc điều trị trong các BV của TPHCM.

Doanh nghiệp thăm dò

TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện không thiếu thuốc điều trị ảnh 1
Mua thuốc tại Nhà thuốc BV Nhi đồng 2, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Theo DS Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trưởng khoa Dược BV Phạm Ngọc Thạch, trước tình hình biến động giá cả, thời gian qua, nhiều DN đã trúng thầu cung ứng thuốc cho BV năm 2008, đã gọi điện đến than phiền và có ý định bỏ cuộc, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chưa có một DN nào đơn phương rút lui, ngưng cung ứng thuốc. Đa phần các DN chỉ thăm dò phản ứng của BV ra sao.

Cũng theo DS Quỳnh Anh, thời gian qua chỉ có một DN gửi công văn đến BV xin ngưng cung cấp Iso-Eremfat 150mg và EMB fatol 400mg (hai loại thuốc chống lao có trong chương trình chống lao quốc gia mà BV mua về để phục vụ cho khoa dịch vụ) với lý do tỷ giá EUR tăng cao nên không thể tiếp tục nhập hàng. Tuy nhiên, sau khi thương thảo với BV và trực tiếp làm việc với Sở Y tế trong chiều 25-6, DN này đã cam kết tiếp tục cung ứng thuốc cho đến hết mùa thầu 2008.

BV Hùng Vương cũng cho biết, vừa qua, một nhà thầu đã gửi công văn đến BV xin được điều chỉnh giá, nhưng sau khi làm việc lại với BV, DN này đã tự động rút công văn lại và tiếp tục cung ứng thuốc theo giá cam kết trong hợp đồng thầu.

Một trường hợp khác là một đơn vị cung ứng thuốc bổ ống cho nhà thuốc BV (không nằm trong danh mục thầu) sau khi than phiền giá cả tăng đã ngưng cung ứng một ngày, tuy nhiên ngay sau đó lại tự động cung ứng tiếp theo giá cũ.

Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, Giám đốc BV quận Bình Thạnh, khẳng định: Cho đến thời điểm này BV vẫn đảm bảo đủ cơ số thuốc điều trị và chưa có một DN ngưng cung ứng thuốc cho BV.

Không để thiếu thuốc

Trước chiêu “nắn gân” của các DN, nhiều BV đã chọn giải pháp “cứng tay” để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị. BV Bệnh nhiệt đới vừa có công văn báo cáo lên Sở Y tế TPHCM về trường hợp một nhà thầu trúng thầu, nhưng không ký hợp đồng cung ứng thuốc năm 2008 buộc BV phải chọn nhà thầu thứ 2.

Theo đó, Công ty Dược phẩm Tân Á là nhà thầu trúng thầu cung cấp 2 mặt hàng thuốc: Chlorure de Potassium – KCI 10%/10ml (giá trúng thầu 2.739 đồng/ống) và Suopinchon (Furosemide 20mg/20ml - 2.100 đồng/ống). Tuy nhiên, nhà thầu này đã không thương thảo ký hợp đồng sau khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu. Do đó BV đã liên hệ với nhà thầu thứ 2 là Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) để thông báo trúng thầu và mời ký hợp đồng để phân phối 2 mặt hàng trên.

Xử lý nhanh, dứt điểm mọi tình huống về vấn đề thuốc đấu thầu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cũng là tinh thần của Sở Y tế trong thời điểm này.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các BV ký kết hợp đồng, thỏa thuận với các công ty trúng thầu về tiến độ giao hàng phù hợp trên tinh thần chia sẻ các khó khăn của DN trong giai đoạn hiện nay, nhưng vẫn bảo đảm BV không thiếu thuốc điều trị. Đa số công ty, nhà phân phối lớn đều đã cam kết tôn trọng hợp đồng. Sở Y tế theo dõi chặt tình hình và chỉ đạo các BV có bất cứ biến động gì phải báo cáo về sở ngay để phối hợp xử lý ngay. Đối với các DN từ chối cung cấp, BV sẽ mua thuốc của nhà thầu xếp thứ 2, nếu cần thiết Sở Y tế sẽ chỉ định thầu hay huy động thuốc từ nguồn dự trữ của TP và của quốc gia.

Cũng theo PGS.TS Phong Lan, giải pháp chọn nhà thầu thứ 2 đã được quy định trong Luật Đấu thầu, biện pháp điều chỉnh giá thầu đối với nhà thầu thứ nhất phải do Chính phủ quyết định trên cơ sở thực tế có biến động kéo dài và không thể dàn xếp.

Trước tình trạng một số nhà thầu không đơn phương rút lui nhưng lại viện dẫn nhiều lý do khác như: hàng đang về, không sản xuất kịp… để cung ứng cầm chừng, nhỏ giọt, PGS.TS Phong Lan cho biết: Sở Y tế và BV sẽ trực tiếp thương thảo với các nhà thầu để đạt thỏa thuận giao hàng phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời sở cũng có kế hoạch điều chuyển thuốc giữa các BV trong trường hợp cần thiết. Bảo đảm không để BV thiếu thuốc.

Mặt khác, để động viên DN, tìm một sự đồng thuận để DN cùng chia sẻ khó khăn với ngành trong thời điểm này, trong nhiều ngày qua, Ban giám đốc Sở Y tế đã có các cuộc gặp gỡ với các DN lớn về cung ứng thuốc, thuyết phục và đã đạt được thỏa thuận từ các DN: cam kết giữ thầu 2008.

Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan: Các nhà thầu đơn phương rút lui cung ứng thuốc phải có giải trình trực tiếp với Sở Y tế. Ngoài việc sẽ không được nhận lại khoản tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng, các nhà thầu này cũng đồng thời cũng đánh mất tín nhiệm với BV, với Sở Y tế và sẽ không được tham gia cung cấp thuốc và hàng hóa khác cho các cơ sở y tế công lập trên toàn TP trong thời hạn 1-2 năm.

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục