
“Hãy coi tôi là một đại sứ của TP Hồ Chí Minh trên thế giới!”

Cuối tuần này, ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, sẽ rời Hà Nội, kết thúc thời gian công tác tại Việt Nam để nhận nhiệm vụ mới tại Moscow (LB Nga).
Chiều 24-1, tại Hà Nội, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi cởi mở với ông Klaus Rohland về những vấn đề liên quan đến sự hỗ trợ của WB với Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.
- Phóng viên: Thưa ông, sau 4 năm làm việc trên cương vị Giám đốc WB tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng?
Ông KLAUS ROHLAND: Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, đạt 7,8% vào năm 2005 và trên 8% vào năm 2006. Song song đó, Việt Nam đã đạt được sự gắn kết xã hội mạnh mẽ, tốc độ giảm nghèo ngày càng tăng nhanh. Còn TPHCM là “đầu tàu” phát triển kinh tế chính của Việt Nam, cùng với Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, trong những năm vừa qua, số người nhập cư đã đổ mạnh về TPHCM, khiến thành phố phải đối mặt với một số vấn đề xã hội, chẳng hạn như sự tiếp cận của người dân với giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng…
- Thưa ông, trong 4 năm qua, WB và bản thân ông đã có những hỗ trợ gì cho Việt Nam?
Trong nhiệm kỳ công tác của mình tại đây, tôi đã ký kết tổng số các khoản tín dụng dành cho Việt Nam khoảng 3 tỷ USD. Chúng tôi hỗ trợ các dự án ở tất cả ngành khác nhau trên phạm vi cả nước. Sự hỗ trợ này, một mặt giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế, mặt khác giúp các bạn xóa đói giảm nghèo.
- Với TPHCM thì sao, thưa ông?
Ở TPHCM, chúng tôi đang có một số dự án chính. Trong đó có dự án cung cấp nước sạch, dự án về vệ sinh môi trường (làm sạch hệ thống kênh rạch), dự án hỗ trợ hình thành chính phủ điện tử của TPHCM và giúp người dân tiếp cận dễ dàng với Internet, dự án xây dựng trung tâm truyền máu… Tổng kinh phí mà WB đang hỗ trợ TPHCM là 360 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện các dự án này còn đang khá chậm, cho đến nay mới giải ngân được khoảng 50 triệu USD.
- Vậy theo ông, cần phải làm gì để khắc phục sự chậm trễ này?
Theo tôi, TPHCM nên tập trung vào việc nâng cao năng lực các ban quản lý dự án về đấu thầu mua sắm, về kỹ thuật, ký kết hợp đồng… Chúng tôi cũng đang nghĩ tới việc thành lập một văn phòng tại TPHCM để hàng ngày làm việc cụ thể với thành phố, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chúng tôi làm như vậy vì hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của TPHCM đối với Việt Nam.
Là một trong những trung tâm phát triển kinh tế chính, nếu TPHCM phồn thịnh, thì Việt Nam cũng phồn thịnh. Nếu TPHCM thực hiện được dự án với tốc độ cao, thì tất cả địa phương khác cũng muốn tăng tốc theo.
- Đúng là vẫn còn một số vấn đề tồn tại, nhưng nếu đánh giá chung về hiệu quả các dự án của WB tại Việt Nam, ông thấy thế nào?
Chất lượng của các dự án WB tại Việt Nam là rất tốt, và đều đạt được mục tiêu đề ra. Tất nhiên, khó có gì có thể hoàn hảo 100%. Trong một danh mục dự án có tổng trị giá tới 5 tỷ USD, khó có thể tránh được một số sai sót. Chẳng hạn như về tiến độ dự án.
Hiện nay, thời gian trung bình để chuẩn bị một dự án của WB trên thế giới là 2 năm, còn ở Việt Nam là 3 năm; thời gian trung bình để thực hiện một dự án của WB trên thế giới là 5 năm, thì ở Việt Nam là 7 năm. Đây là vấn đề mà tôi nêu ra tại các cuộc gặp gỡ chia tay với các quan chức Chính phủ. Các bạn cần cải thiện vấn đề này để phát triển nhanh hơn.
- Vậy trong thời gian tới, định hướng hỗ trợ của WB đối với Việt Nam sẽ như thế nào?
Chúng tôi vừa hoàn thành chiến lược hỗ trợ quốc gia dành cho Việt Nam, nhưng có lẽ sẽ đổi thành chiến lược hợp tác quốc gia, bởi tôi nghĩ hiện Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, không cần hỗ trợ nữa. WB sẽ hợp tác với Chính phủ Việt Nam, giúp các bạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, thực hiện các cam kết WTO theo hướng tận dụng được các cơ hội mà WTO mang đến để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
WB sẽ tập trung giúp Việt Nam cải cách hệ thống ngân hàng quốc doanh, lĩnh vực tài chính công, hỗ trợ giảm nghèo ở các vùng miền núi, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, một hỗ trợ cơ bản khác là cải cách hành chính, lập pháp, tư pháp và chống tham nhũng.
- Từ khi ông đặt chân tới Việt Nam 4 năm trước cho tới khi hết nhiệm kỳ, hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt ông đã có những đổi thay ra sao?
Trong 4 năm qua, tôi nhìn thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ấn tượng của Việt Nam. Tôi nhìn thấy sự hạnh phúc trong ánh mắt của người dân. Tôi nhìn thấy rất nhiều sự đổi thay trên đất nước của bạn. Tuy Việt Nam được coi như một trong những điển hình về phát triển của thế giới, nhưng không có nghĩa là không còn chỗ để Việt Nam tiếp tục tự đổi mới mình.
Trong 5 năm qua, Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 7%/năm, nhưng tôi thường nói với các đồng nghiệp và đối tác của tôi rằng: Việt Nam còn có thể tăng trưởng 10%/năm, nếu có thể tăng hiệu quả trong cải cách hành chính, trong thực hiện các dự án.
- Chúng tôi hy vọng rằng, thời gian ở Việt Nam đã để lại trong ông rất nhiều tình cảm?
Với cá nhân tôi, 4 năm qua là một thời gian rất đặc biệt. Chúng tôi đã được người dân Việt Nam mở rộng vòng tay tiếp đón rất thân tình, hiếu khách. Điều đó khiến tôi luôn cảm thấy đang ở nhà mình. Tôi cảm thấy mình đang ở nhà khi đi ở vùng nông thôn, dọc theo những cánh đồng lúa hay khi leo lên những ngọn núi.
Tôi cũng thấy như ở nhà khi dạo bộ trong TP, ngồi ở quán… bia hơi, hay quán cà phê. Tôi và gia đình tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Sắp tới, tôi sẽ chuyển tới công tác ở một vùng đất có khí hậu lạnh lẽo hơn, nhưng tôi tin sự nồng ấm của người Việt Nam thời gian qua sẽ giữ cho chúng tôi ấm áp hơn.
- Với tình cảm như vậy, ông sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, dù ở cương vị khác?
Tuần trước, khi gặp một vị lãnh đạo TPHCM, tôi có nói rằng, xin ông hãy coi tôi là một đại sứ của TPHCM trên thế giới. Tôi cũng sẽ nói như vậy với ngài Thủ tướng Việt Nam khi chào từ biệt.
- Xin cảm ơn ông.
MINH GIANG