(SGGPO).- “Công an TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP trong mọi tình huống, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống bình yên của người dân TP”, đại diện lãnh đạo Công an TPHCM đã khẳng định tại buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí, ngày 29-12, thông tin về tình hình, kết quả đảm bảo công tác an ninh trật tự của lực lượng công an TP trong năm 2014.
Các loại án nghiêm trọng giảm mạnh
Theo Thượng tá Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng Phòng tham mưu – Công an TPHCM, trong năm 2014 trên địa bàn TPHCM xảy ra 6.381 vụ phạm pháp hình sự, tăng 163 vụ (2,6%) so với năm 2013. Trong đó, các loại án nghiêm trọng được kéo giảm mạnh so với năm trước.
Tuy nhiên đáng lo ngại là tội phạm trộm cắp tài sản tăng và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Các đối tượng, băng nhóm chuyên nghiệp thực hiện các vụ đột nhập để trộm, tính chất hoạt động tinh vi, tổ chức đường dây khép kín từ khâu gây án đến tiêu thụ tài sản…
Công an TPHCM điều tra, khám phá 4.248 vụ, đạt tỷ lệ 66,5%. Tỷ lệ khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (giết người, cướp sử dụng súng) đạt 95,3%; một số loại án khác có kết quả khám phá tuyệt đối 100% như chống người thi hành công vụ, mua bán chiếm đoạt trẻ em, hiếp dâm, giao cấu trẻ em.
Đặc biệt, năm qua trên địa bàn TPHCM xuất hiện các vụ lừa đảo có yếu tố nước ngoài. Đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện thoại đến nhà dân có thuê bao điện thoại cố định thông báo nợ cước điện thoại để dẫn dụ người bị hại theo kịch bản giăng sẵn để chiếm đoạt tiền.
Quang cảnh buổi họp báo
Thượng tá Cao Xuân Lợi – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM đã khởi tố 29 vụ, bắt tạm giam 64 đối tượng (trong đó có 15 đối tượng người Đài Loan, 1 đối tượng người Trung Quốc) lừa đảo khoảng 200 người bị hại, gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Cơ quan công an thu hồi khoảng 6,5 tỷ đồng và thu giữ nhiều công cụ, máy móc hiện đại để phạm tội. Đến nay, loại tội phạm này cơ bản đã giảm trên địa bàn TPHCM.
Qua đợt triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức trên địa bàn TP (từ ngày 20-5-2014 đến 20-10-2014), Công an TPHCM đã đấu tranh triệt phá 93 băng nhóm, 448 đối tượng; trong đó có nhiều băng nhóm hoạt động gây án nguy hiểm, chuyên nghiệp, tiến hành điều tra truy xét làm rõ nhiều vụ gây án trước đó.
Bên cạnh đó, sau hai tháng rưỡi triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố (từ ngày 1-10-2014 đến 15-12-2014), Công an TPHCM đã điều tra khám phá 455 vụ trộm cắp tài sản, bắt 526 đối tượng, ngăn chặn và làm chuyển biến rõ rệt tình hình trộm cắp tài sản nơi công cộng và tại các khu dân cư.
Trong lĩnh vực tội phạm ma túy, nổi lên hoạt động của đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài với số lượng lớn qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất; các băng nhóm tội phạm ma túy liên tỉnh vận chuyển trái phép ma túy về TPHCM để tiêu thụ vẫn chủ yếu từ các tỉnh biên giới phía Tây giáp với Campuchia và một số tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Nội…
Thượng tá Võ Văn Trai, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy – Công an TPHCM cho biết thời gian gần đây, khi vận chuyển ma túy qua đường hàng không, tội phạm ma túy chuyển sang chọn người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài hoặc người nước ngoài (quốc tịch Philippines, Malaysia, Thái Lan, Canađa…) để vận chuyển chứ không chọn phụ nữ Việt Nam như trước.
Còn hơn 17.000 người nghiện cần giải quyết
Triển khai thực hiện đề án cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định, Công an TPHCM đã kiểm tra, lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn thành phố vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tính đến ngày 28-12-2014, Công an TPHCM kiểm tra 4.626 đối tượng có biểu hiện nghi vấn nghiện ma túy, qua xét nghiệm có kết quả dương tính ma túy 2.571 đối tượng. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn ra 1.453 quyết định giao cơ sở xã hội. Tòa án có quyết định đưa 19 đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó 11 trường hợp quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Hiệu quả ban đầu từ đề án này cho thấy số người nghiện lang thang ở nơi công cộng giảm hẳn.
Tuy đạt được kết quả khả quan trên nhưng Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho rằng, việc đưa những người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc chỉ là một trong những biện pháp phòng chống tội phạm và sẽ không tác động lớn đến hoạt động trung chuyển ma túy vào Việt Nam của các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cách đây vài tháng (có khả năng chưa đầy đủ) cho thấy TPHCM có hơn 19.200 người nghiện, trong đó có khoảng 40% - 60% không có nơi cư trú ổn định. Như vậy, trừ những trường hợp đã có quyết định đưa vào cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện bắt buộc, TPHCM còn hơn 17.000 người nghiện cần phải giải quyết.
Bài toán khó đối với TPHCM là việc giải quyết tiếp theo đối với số người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, hoặc không có nơi cư trú ổn định nhưng không xác minh được lai lịch, không xác định được tình trạng nghiện nên thiếu cơ sở để tòa án ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
ÁI CHÂN