TPHCM “dọn tổ” đón “đại bàng” ngành bán dẫn

Trong tháng 3-2024, hơn 50 doanh nghiệp (DN) Mỹ đã gặp nhiều cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam để thảo luận về việc đầu tư nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, chip, công nghiệp chế tạo…. Trước đó, cuối năm 2023, hơn 100 DN Mỹ cũng đã đến TPHCM để tìm hiểu cơ hội đầu tư, giao thương. TPHCM đã có những bước chuẩn bị nào để đón “đại bàng” đến làm tổ?

Nghiên cứu chế tạo chất bán dẫn phục vụ trong vật liệu thông minh tại Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nghiên cứu chế tạo chất bán dẫn phục vụ trong vật liệu thông minh tại Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp ngành bán dẫn ồ ạt vào Việt Nam

Chia sẻ về những tham vọng đầu tư tại Việt Nam, đại diện phái đoàn Mỹ, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TPHCM, khẳng định, các công ty Mỹ thuộc nhiều lĩnh vực đang hướng tới thị trường Việt Nam, nhất là lĩnh vực đầu tư bán dẫn và khai khoáng. Chính phủ Mỹ cũng đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, thực hiện rà soát lại toàn bộ khung pháp lý, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và dành cho DN Mỹ nói riêng mà Việt Nam ban hành. Đồng thời, chi một khoản ngân sách lên đến 240 triệu USD để hỗ trợ DN Mỹ đầu tư tại Việt Nam.

Những động thái từ phía Chính phủ Mỹ ngay lập tức đã thúc đẩy hàng trăm DN công nghệ hàng đầu nước này tìm kiếm cơ hội xây dựng nhà máy sản xuất hoặc hợp tác đầu tư, giao thương tại Việt Nam. Có thể kể đến như Công ty Kine SIC Semi - một trong những công ty hàng đầu sản xuất chip công nghệ cao. “Công ty này sản xuất sản phẩm chip có chất lượng tốt với giá thành rẻ, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và đang rất phù hợp với thị trường Đông Nam Á. Công ty đang có kế hoạch đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD”, ông Johnny Nguyen, Phó Chủ tịch Công ty Kine SIC Semi, chia sẻ.

Trước đó, Tập đoàn Amkor Technology - tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về công nghệ đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn đã khánh thành nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh, có tổng diện tích 23ha. Hay như Tập đoàn Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam. Vừa qua, trong chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn, tập đoàn này đã có quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Đức với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD.

Nhìn nhận về tiềm năng đầu tư ngành bán dẫn tại Việt Nam, ông Ramachandran A.S. (RamC), Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho rằng, việc các DN nước này đổ mạnh đầu tư tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng xuất phát từ môi trường đầu tư Việt Nam có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bởi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), nhưng chưa được khai thác.

Chọn nhà đầu tư chiến lược

Nắm bắt được nhu cầu đầu tư của DN ngành bán dẫn nước ngoài, ngay từ cuối năm 2023, TPHCM đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thu hút DN Mỹ đầu tư tại thành phố. Trước hết, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, lãnh đạo UBND TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh xanh. Theo đó, hai bên sẽ hỗ trợ thực hiện các nội dung: hợp tác tổ chức hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh đến phát triển bền vững trên địa bàn TPHCM; hợp tác về đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo khối tư nhân tại TPHCM và hợp tác đầu tư về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ngoài ra, để sẵn sàng đón được làn sóng đầu tư của DN nước ngoài nói chung và DN Mỹ nói riêng, nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng đã được gấp rút triển khai. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM cho biết, thành phố đã thực hiện rà soát tổng thể toàn bộ thực trạng KCX-KCN. Trên cơ sở đó, thực hiện chuyển đổi các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.

Riêng với một số KCN xây mới như Lê Minh Xuân 3, Phạm Văn Hai… thực hiện xây dựng theo các mô hình KCN chuyên ngành, sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Bộ KH-ĐT, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thí điểm chuyển đổi KCN Hiệp Phước thành KCN sinh thái. Đồng thời, triển khai thêm 1 KCN mới kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ cho phát triển công nghệ cao.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhấn mạnh, hiện thành phố đang có 20 nhà đầu tư bán dẫn đã và đang hoạt động sản xuất. Thời gian gần đây, để tạo điều kiện cho DN mới của ngành này đến đầu tư cũng như kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ cho các DN đang hoạt động mở rộng quy mô sản xuất, thành phố tích cực thu hút đầu tư và hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quy mô lớn, cải thiện năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành công nghiệp. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng công nghiệp được hiện đại hóa theo hướng công nghệ cao.

Tại diễn đàn đối thoại lãnh đạo TPHCM với DN nước ngoài vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, cùng với việc “dọn tổ” đón “đại bàng”, thành phố cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nhanh chóng theo một quy trình rút gọn và được hưởng các ưu đãi vượt trội ngoài các ưu đãi khác. Đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển, DN sẽ được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế. Mặt khác, DN cũng sẽ được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo diện dự án đầu tư...

Tin cùng chuyên mục