Tại buổi chào xã giao Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka Masaru Egichi, ông Masaru Egichi chào mừng đoàn đến thăm và làm việc; đồng thời bày tỏ mong muốn phương pháp xử lý rác thải đang áp dụng thành công tại Fukuoka có thể được áp dụng phổ biến hơn tại các địa phương của Việt Nam, trong đó có TPHCM.
Ông Masaru Egichi cũng cam kết hỗ trợ đào tạo đối với các sinh viên Việt Nam đang du học tại tỉnh Fukuoka, để từ đó góp phần thúc đẩy phát triển hơn mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa TPHCM và Fukuoka nói riêng.
Thay mặt đoàn, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cám ơn ông Phó Thống đốc tỉnh Fukuoka Masaru Egichi cùng các thành viên của tỉnh đã tiếp đón đoàn.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ ấn tượng trước đóng góp GDP của tỉnh Fukuoka đối với cả nước Nhật Bản. Theo đó, dân số của Fukuoka chỉ bằng một nửa TPHCM nhưng GDP của tỉnh Fukuoka lại bằng GDP của Việt Nam (khoảng 220 tỷ USD). Điều này phản ánh việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế thành công tại tỉnh Fukuoka.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong chuyến đi này, đoàn đại biểu TPHCM mong muốn học tập kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường. Đặc biệt là việc chống ngập lụt và kinh nghiệm phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh.
Mặc khác, theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM chịu đồng thời áp lực của mưa và nước biển dâng nên tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng. Do đó, đoàn đại biểu TPHCM mong muốn học tập, tham quan thực tế kinh nghiệm chống ngập của các địa phương Nhật Bản để giải quyết tình trạng này.
Ngoài ra, đoàn đại biểu TPHCM cũng mong muốn có cơ hội tìm hiểu các mô hình thành công của TP Fukuoka, cách thức mà chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển một cách tốt nhất.
Tại buổi chào xã giao ông Higuchi Akira, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Fukuoka, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ TPHCM đã công bố đề án đô thị thông minh. TPHCM được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đã trao quyền tự chủ lớn hơn cho TPHCM đối với việc xét duyệt các dự án đầu tư. Vì vậy, TPHCM mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản có thể tham gia vào các hợp phần khác nhau của các đề án này, ví dụ như xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị, tư vấn quản lý…
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng mong muốn, với vai trò là cơ quan lập pháp của tỉnh Fukuoka, hội đồng sẽ phát huy các sáng kiến giao lưu nghị sĩ, hỗ trợ xây dựng thể chế, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư của tỉnh Fokuoka vào TPHCM mà Fukuoka có thế mạnh như môi trường, giao thông, khởi nghiệp, giáo dục…
Trưa cùng ngày, đoàn cũng làm việc, tìm hiểu chuyên môn về công tác chống ngập tại tỉnh Fukuoka.
Ông Yoshitake, Ban sông ngòi thuộc Bộ phận Cải tạo đất tỉnh Fukuoka, cho biết địa phương áp dụng các giải pháp chống ngập như mở rộng, nạo vét sông nhắm tăng dung tích chứa nước. Đặc biệt là giải pháp xây đập ở thượng lưu, xây hồ điều điều tiết để điều tiết lượng nước mưa, nhằm giảm ngập.
Ông Yoshitake cũng khuyến cáo cần xem trọng các giải pháp mềm trong phòng chống thiên tai. Đó là việc thông tin rộng rãi về lượng mưa, mực nước sông; đồng thời công bố những vị trí có khả năng bị ngập…
Ngoài ra, các xã phường cũng lập các bản đồ về tình trạng ngập lụt, để phổ biến thông tin cho người dân.
Theo ông Yoshitake, kinh phí dành cho công tác chống ngập cho tỉnh Fukuoka mỗi năm vào khoảng 10 tỷ Yên Nhật (tương đương 100 triệu USD).
Tỉnh Fukuoka là nằm ở phía Bắc của vùng Kyushu trên đảo Kyushu. Fukuoka có 3 mặt giáp biển nên chịu nhiều ảnh hưởng do mưa lớn kèm bão. Trong lịch sử Fukuoka đã gặp những trận mưa lũ lớn, gây ngập cho hàng ngàn căn nhà. Hệ thống tàu điện ngầm cũng bị ảnh hưởng.
Thông qua các giải pháp nêu trên, tình trạng ngập úng của Fukuoka đã được cải thiện đáng kể.