Biến dạng mặt tiền công viên
Thảo Cầm viên Sài Gòn được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm 1865. Trước đây, ngoài cổng chính trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thảo Cầm viên còn có một cổng lớn ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Sau này, vì nhiều lý do, cổng này ít hoạt động, rồi ngưng hẳn, chỉ còn cổng phụ ở gần Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu để khách ra vào gửi xe. Hiện nay, cổng chào bị dỡ bỏ, phần lớn diện tích mặt tiền phía đường Nguyễn Thị Minh Khai đã bị cho thuê, trở thành khu kinh doanh trò chơi và dịch vụ ăn uống.
Thảo Cầm viên Sài Gòn nhìn từ phía cổng đường Nguyễn Thị Minh Khai
Sinh ra và lớn lên cách Thảo Cầm viên Sài Gòn chừng vài trăm mét, ông Nguyễn Hữu Hùng (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết: “Ngày trước đứng ngoài đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào trong Thảo Cầm viên thấy thoáng đãng lắm, cây xanh hút tầm mắt, thấy cả chim, thú và khuôn viên rộng rãi. Bây giờ, người qua đường còn không nhận ra đây là Thảo Cầm viên. Bạn bè tôi ở nước ngoài về, đi ngang qua, thắc mắc hỏi nay Thảo Cầm viên bị dẹp rồi hay sao mà không thấy nữa, chỉ thấy dịch vụ kinh doanh giải trí bao trọn phía đường Nguyễn Thị Minh Khai”. Quả thực, đứng từ đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn vào chỉ thấy toàn bộ mặt tiền phía này là bảng hiệu của hàng chục dịch vụ kinh doanh, từ các trò chơi giải trí, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, gian hàng thời trang.
Không chỉ bức xúc trước tình trạng xẻ đất cho thuê diễn ra ở Thảo Cầm viên Sài Gòn, người dân còn phản ánh việc ban quản lý thu tiền người dân vào tập thể dục buổi sáng. Bà Phạm Kiều Yên (ngụ quận 1) thắc mắc: “Trước đây Thảo Cầm viên mở cửa tự do từ 5 giờ đến 7 giờ để người dân vào tập thể dục buổi sáng; gần đây họ thu tiền. Việc thu tiền này là thu theo chủ trương nào, sử dụng vào việc gì”.
Đã ngưng 11 hợp đồng cho thuê mặt bằng
Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc xẻ mặt bằng Thảo Cầm viên phía đường Nguyễn Thị Minh Khai để cho thuê, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, giải thích: “Năm 2005, đơn vị được Thành ủy TPHCM giao tự chủ kinh tế. Giai đoạn chuyển từ cơ chế hoạt động bằng ngân sách sang cơ chế tự chủ tài chính vô cùng khó khăn đối với công ty. Tuy là công viên nhưng Thảo Cầm viên không giống với các công viên công cộng khác. Đây là doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu kinh doanh phải có lãi. Trong khi đó, mọi khoản chi từ chăm sóc, cải tạo khuôn viên, lương của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là tiền thức ăn cho thú và chăm sóc thú vô cùng tốn kém, nếu chỉ trông chờ vào tiền thu vé khách tham quan thì không đủ. Vì vậy để vượt qua được giai đoạn khó khăn đó, công ty đã cho thuê một phần mặt bằng phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, vừa để tạo thêm dịch vụ, vừa có nguồn thu để trang trải, cải tạo Thảo Cầm viên nhằm thu hút khách tham quan. Nay hoạt động của Thảo Cầm viên Sài Gòn đã ổn định, công ty đã có lãi và tự sống bằng nguồn thu từ vé tham quan của khách. Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn đã ngưng các hợp đồng cho thuê mặt bằng”.
Thời gian qua, có 8 cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng tại Thảo Cầm viên, với 12 hợp đồng dịch vụ. Đến tháng 12-2017, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn đã ngưng 11 hợp đồng cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay các dịch vụ kinh doanh vẫn chưa bàn giao khuôn viên phía mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai để Thảo Cầm viên khai thác đúng công năng.
Ông Tân cho biết: “Tuy ngưng hợp đồng nhưng các cơ sở kinh doanh đều xin gia hạn thời gian để giải quyết hàng hóa tồn đọng, tìm mặt bằng mới và có thời gian cho nhân viên tìm công việc mới. Chúng tôi đang đốc thúc các bên di dời, trong tháng này sẽ lấy lại mặt bằng. Riêng Chi nhánh số 1 Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hoàng Gia (đơn vị kinh doanh Rubik) còn hợp đồng đến tháng 12-2019. Đến ngày 1-12-2019 chúng tôi sẽ ngưng hợp đồng với đơn vị này. Còn lại 2 dịch vụ ở phía đường Nguyễn Thị Minh Khai (gồm Zoo Cafe và Bảo tàng Trưng bày xác động vật, thực vật) là dịch vụ của Thảo Cầm viên Sài Gòn để phục vụ khách tham quan”.
Đối với thắc mắc của người dân về việc thu tiền người vào tập thể dục buổi sáng, ông Tân khẳng định: “Thảo Cầm viên không thu tiền người dân vào tập thể dục. Chúng tôi vẫn mở cửa miễn phí cho người dân vào tập thể dục từ 5 giờ đến 7 giờ hàng ngày, sau 7 giờ mới bắt đầu bán vé. Nhưng vì Thảo Cầm viên không phải là nơi tự do ra vào được nên mỗi năm chúng tôi thu 50.000 đồng/người để làm thẻ ra vào. Đó cũng là cách để chúng tôi quản lý, bảo vệ Thảo Cầm viên. Mong bà con hiểu và chia sẻ với chúng tôi”.