Trả vàng về đúng vai

Cơn sốt vàng cấp tính vừa tạm hạ nhiệt. Qua một đêm 23-8, giá vàng thế giới đã mất gần 90 USD/ounce. Giá vàng trong nước giảm ít hơn, khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Khẳng định từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có những biểu hiện đầu cơ đối với giá vàng.

Cũng cần nhắc lại rằng, để ổn định thị trường vàng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái khá mạnh. Tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức, cho nhập khẩu vàng (thậm chí không giới hạn) là những ví dụ rõ nhất cho việc thay đổi quan điểm trong điều hành thị trường. Vàng trong nước hầu hết đều có nguồn gốc nhập khẩu. Vì vậy, biến động giá vàng của thị trường trong nước chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Nhưng cũng không ít thời điểm, giá vàng trong nước diễn biến ngược hướng với giá vàng thế giới. Đó là một căn cứ để nói rằng có bàn tay của “thủ phạm” đầu cơ.

Chỉ có một số ít người thực sự tham gia mua bán vàng trong những ngày qua. Giá trị nhập khẩu vàng khoảng 1 tỷ USD, cũng không lớn trong tổng giá trị thanh toán. Nhưng “phần nhỏ” ấy lại làm rúng động “phần lớn” của tỷ giá trong kinh tế vĩ mô.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, khúc mắc trong điều hành thị trường lâu nay, không xác định nhất quán vàng là hàng hóa hay tiền tệ. Trên thực tế, vàng vừa là tài sản cất trữ, lại vừa đóng vai tiền tệ. Chính sách quản lý cũng coi vàng là tiền tệ. Vàng trong nước chưa liên thông hoàn toàn với thị trường vàng thế giới, nhưng giá vàng lại luôn tạo sức ép mạnh lên tỷ giá.

Một yếu tố quyết định đến giá vàng trong nước, sức khỏe nền kinh tế, biểu hiện tập trung nhất ở sức mua của đồng nội tệ. Sức khỏe yếu thì dễ chao đảo. Trong chuỗi lạm phát kéo dài, sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân đã giảm. Đồng thời, sự tin tưởng vào vàng, lấy giá vàng để “quy chiếu” các thứ khác vẫn còn nặng. Cả các biện pháp quản lý ngắn hạn cũng tất bật xoay quanh chuyện thu gom, huy động, cất giữ vàng. Qua cơn biến động giá vàng, có thể thấy rằng lòng tin vào đồng nội tệ có nhiều khoảng bất an. Tâm lý không vững thì dễ hoảng hốt. Vì thế, thêm một cơn sốt lại thấy thêm mệt nhọc.

Xét về thực chất, giá vàng trong nước trở nên quá nhạy cảm là do việc điều tiết xuất nhập khẩu vàng không hợp lý. Cái van điều tiết đóng mở cho xuất khẩu hoặc nhập khẩu ở từng thời điểm cụ thể chủ yếu vẫn mang tính xử lý tình thế, bị động chạy theo các diễn biến bất thường. Chính vì thế, nó càng làm đồng nội tệ và tỷ giá “đổ mồ hôi hột” trong cơn sốt vàng.

Theo góc nhìn đồng bộ, điều phối giá vàng phải ăn khớp, liền lạc với hệ thống giải pháp ưu tiên kéo giảm lạm phát. Phải trả vàng lưu thông về đúng vai trò của nó. Và trong quan hệ cung cầu chung, không thể để một bộ phận nhỏ của thị trường (nhu cầu và giá vàng) lại làm hỗn loạn phần quan yếu (cung tiền, tỷ giá và sức khỏe của đồng nội tệ). Nhiều chuyên gia tài chính ủng hộ xu hướng cho xuất nhập khẩu vàng bình thường hai chiều theo thực tế cung - cầu, như một loại hàng hóa. Và như thế, điều phối vàng hàng hóa sẽ rành mạch bằng các công cụ thị trường chứ không phải bằng biện pháp hành chính.

Sự vất vả quá mức cần thiết trong điều hành thị trường sẽ tái diễn, nếu vẫn để vàng “ngồi nhầm chỗ”, giá vàng gây ảnh hưởng nhiều đến chính sách tiền tệ. Một thị trường tiền tệ lành mạnh sẽ giữ được sự ổn định, cho dù giá vàng có lên xuống thế nào. Khi người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô và đồng nội tệ, “cơn sốt giá vàng” sẽ không thể có sức tác động lớn như đã xảy ra.

VŨ BÁCH

Tin cùng chuyên mục