Trách nhiệm “gác gôn”

Chỉ đạo hội nghị ngành tư pháp mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bộ Tư pháp năm 2020 là làm tốt vai trò “gác gôn” cho Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ cũng từng thẳng thắn đề cập đến việc hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao (nhất là trong lĩnh vực về điều kiện đầu tư, kinh doanh và quy hoạch). Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ, vẫn có sự chồng chéo, xung đột giữa Luật Điện lực, Luật Đầu tư với Luật Xây dựng; Luật Dầu khí với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực, dầu khí… Đáng lo ngại hơn, tính minh bạch của hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, việc “cài cắm” lợi ích ngành vẫn còn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nghiêm khắc cảnh báo về hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong luật pháp nói chung và thủ tục hành chính nói riêng.

Quy trình xây dựng chính sách hiện nay có trách nhiệm thẩm định, “gác gôn” của Bộ Tư pháp. Tuy đã lọc được nhiều văn bản, quy định còn gây tranh cãi, nhưng cũng còn không hiếm trường hợp các văn bản trái pháp luật vẫn được ban hành, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội, biểu hiện của “quyền anh, quyền tôi”. Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) Bộ Tư pháp cho biết, kết quả kiểm tra văn bản của cơ quan này trong năm 2019 đã phát hiện 339 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Trong đó có nhiều quy định theo hướng dành thuận lợi cho quản lý nhà nước, tạo ra cơ chế xin - cho. 

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng nêu: Dư luận phản ứng rất mạnh mẽ đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại” của Bộ trưởng Bộ GTVT. Nhưng còn nhiều trường hợp khác, các bộ ngành ra quy định yêu cầu doanh nghiệp mất giấy phép kinh doanh cũng phải làm thủ tục tương tự như khi đi xin cấp phép mới. Về bản chất, những trường hợp này không khác gì “mất bằng lái xe phải thi lại” nhưng do không liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân nên không được dư luận chú ý. Chúng ta không khó để nhận ra những quy định mang lại lợi ích cục bộ cho ngành, như quy định phải theo học lớp tập huấn định giá đất của Bộ TN-MT hay quy định kiểm tra phế liệu nhập khẩu phải có mặt cán bộ môi trường của địa phương đặt nhà máy. 

Thực tế trên cho thấy, sẽ phải có 2 “toa thuốc” cần được áp dụng đồng thời để trị “căn bệnh” trên. Bên cạnh những giải pháp ngay từ gốc nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL, cần thực thi nghiêm khắc hơn những chế tài đã có để xử lý những cơ quan, công chức tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật. Luật Ban hành văn bản QPPL hiện hành đã quy định về trách nhiệm đối với việc ban hành văn bản QPPL trái pháp luật. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng có nêu nội dung “cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”.

Tuy nhiên, một văn bản QPPL có thể do nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức liên quan với nhiều khâu, đoạn (soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, thông qua, ký ban hành…), do đó việc xác định, cá biệt hóa trách nhiệm là không hề đơn giản. Vì thế, trong quá trình tham mưu Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cần cụ thể hóa hơn nữa cách thức nhận diện sai phạm, quy trách nhiệm và xử lý để các quy định này thực sự có tính răn đe đối với những người vì lợi ích cục bộ mà cố tình bất chấp quyền, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân.

Tin cùng chuyên mục