Trách nhiệm phải từ hai phía


Còn hơn 20 ngày nữa, hình thức thu phí tự động không dừng (ETC) chính thức được thực hiện trên toàn quốc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo cam kết mới nhất của Bộ GTVT, ngoại trừ 4 dự án cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đang quản lý và 8 trạm có tính chất đặc thù đang chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết, từ ngày 31-12, tất cả các trạm thu phí sẽ có các làn thu phí ETC hoạt động. Như vậy, sau nhiều lần chậm trễ do trách nhiệm của Bộ GTVT, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, việc thu phí ETC đã có thể coi là nhìn thấy vạch đích. 

Là hình thức thu phí mới, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, Chính phủ, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã phải từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, nhiều băn khoăn, yêu cầu của những người sử dụng dịch vụ thu phí ETC đã được Bộ GTVT ghi nhận và giải quyết, từ việc phải có nhiều hơn 1 nhà đầu tư vào hệ thống thu phí không dừng để đảm bảo tính cạnh tranh, đến việc phải đảm bảo thuận lợi trong việc thanh toán phí qua tài khoản. 

Đến thời điểm này, nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 1 đã liên thông tài khoản giao thông và tài khoản cá nhân của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án là Ngân hàng BIDV, đồng thời xúc tiến kết nối với các ngân hàng khác để có hình thức thanh toán thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ. Còn với nhà đầu tư dịch vụ giai đoạn 2, hiện đã có giải pháp sử dụng ví điện tử kết nối với hơn 30 ngân hàng. Khi kết nối hai tài khoản, chủ tài khoản sẽ được tự quyết định chuyển số tiền phù hợp với hành trình. Khi xe qua trạm, tin nhắn trừ tiền sẽ được gửi tới điện thoại của chủ phương tiện. Đặc biệt, chỉ với 1 tài khoản giao thông, các phương tiện có thể sử dụng với tất cả các trạm thu phí ETC trên toàn quốc.

Thế nhưng, điều trớ trêu, đến thời điểm này, mới có gần 1 triệu ô tô trong tổng số hơn 4 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí ETC, trong số đó, cũng mới có hơn 47% nạp tiền để sử dụng dịch vụ. Những con số cho thấy sự chưa sẵn sàng, chưa tích cực ủng hộ chủ trương thu phí ETC từ phía những người sử dụng dịch vụ.

Như vậy, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm của chủ phương tiện cá nhân và các doanh nghiệp vận tải. Theo các chuyên gia giao thông, vấn đề ở đây là nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, ngại thay đổi, ngại tiếp thu cái mới. Bên cạnh đó, các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc thu phí ETC, chưa hiểu rằng dịch vụ này không chỉ mang lại những lợi ích rất thiết thực cho người sử dụng dịch vụ như giúp giảm bớt thời gian dừng xe mua vé tại trạm, thời gian lưu thông nhanh hơn, mà còn mang lại những lợi ích chung cho quốc gia như giảm ô nhiễm, giúp cơ quan quản lý kiểm soát minh bạch nguồn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. 

 Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về trách nhiệm của Bộ GTVT khi để việc thu phí ETC chậm tiến độ. Nhưng cũng cần sòng phẳng với nhau, khi các cơ quan quản lý nhà nước đã nhìn thấy trách nhiệm của mình và nỗ lực thay đổi thì những người sử dụng dịch vụ, nhất là các hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp vận tải cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình, không thể chỉ vì những lợi ích nhỏ mà bỏ qua lợi ích đại cục. Không có lý gì một việc với những lợi ích rất rõ ràng, được Chính phủ và người dân đồng thuận như vậy lại không được chính những người sử dụng dịch vụ ủng hộ. Và để phát huy hiệu quả, cùng thời điểm việc thu phí ETC đi vào hoạt động, các chế tài xử lý vi phạm cũng cần phải được thực thi nghiêm. 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nghị định 100/2019 đã có quy định xử phạt xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng với mức phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng cho lỗi đi sai làn. Xe không dán thẻ cũng sẽ phải chờ kể cả trạm ùn tắc mà không được xả trạm để họ có thể thấy rằng chủ phương tiện chấp hành nghiêm việc thu phí ETC sẽ không phải gặp các vấn đề như vậy.

Tin cùng chuyên mục