Từ lâu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã nổi tiếng là miền đất của sông nước mênh mang với cá tôm ăm ắp, những đồng lúa bạt ngàn cùng vườn cây trái xum xuê. Vùng đất này được xem là một trong ba đồng bằng trồng lúa tốt nhất thế giới; làm ra đến 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 50% sản lượng thủy sản với khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 70% lượng trái cây cả nước. Với những đóng góp đó, ĐBSCL chiếm giữ vị trí đặc biệt về an ninh lương thực đối với nước ta.
Thế nhưng, phần lớn diện tích lúa trong 4 triệu ha lúa canh tác mỗi năm của ĐBSCL còn được thu hoạch thủ công, số máy gặt đập liên hợp và máy gặt xếp dãy mới đáp ứng 15% diện tích thu hoạch lúa toàn vùng, tỷ lệ hao hụt lên tới 5%, lượng lúa bị thất thoát hàng năm trên 1 triệu tấn! Hơn thế nữa, gần 4 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm hầu như chỉ đến được những thị trường nghèo và dễ tính với giá thấp, bằng khoảng 60% giá bán của gạo Thái Lan. Còn trái cây, dù đa dạng và phong phú nhưng lại thiếu trái ngon đúng chuẩn và sản lượng lớn để chế biến hàng loạt hoặc xuất khẩu thô do chạy theo số lượng, diện tích manh mún…
Không những thành quả còn quá nhỏ bé so với tiềm năng mà miền sông nước này đã và đang đối mặt với sự tụt hậu và nhiều nguy cơ lớn. Đã trải qua hàng chục năm rồi mà Tây Nam bộ vẫn chỉ có con đường độc đạo nối với TPHCM là quốc lộ 1A nhưng luôn kẹt xe, chưa kể sự thô sơ của các tuyến đường nội vùng! Lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chiếm đến 70% tổng lượng hàng hóa hàng năm của khu vực nhưng các dòng kênh, con sông cũng đang chịu đựng sự quá tải cực điểm do năng lực vận tải thấp cùng sự bồi lắng phù sa trong khi thiếu kinh phí duy tu cải tạo.
Cùng với hạ tầng giao thông đã làm nản lòng ngay cả những người con nặng nợ với đồng bằng thì chất lượng nguồn nhân lực là lực cản hàng đầu đối với sự phát triển của ĐBSCL. Người miệt đồng bằng vốn dân đồng chua nước mặn nên chân chất, mộc mạc nhưng tình người phóng khoáng và lòng người hào hiệp. Bên cạnh đó, con người nơi đây lại có óc sáng tạo và tài năng vượt lên trên khả năng học vấn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không khỏi se lòng.
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT được thực hiện cuối năm 2008, ĐBSCL có tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học cao nhất nước, chiếm đến 3,1% và ngày càng tăng, đồng thời vẫn còn gần 24.000 phòng học tạm bợ! Do vậy, không ngạc nhiên khi biết rằng số lao động chưa qua đào tạo ở đây hiện còn chiếm trên 89%, tỷ lệ này ở lao động nông nghiệp là gần 97%!
Phải chăng người miệt sông nước không tham vọng hoặc không có ước mơ? Tại sao ĐBSCL với dân số khoảng 18 triệu dân, chiếm hơn 20% dân số cả nước nhưng mới có 20.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mới chiếm 7% lượng doanh nghiệp cả nước? Hai vật cản lớn nhất là cơ sở hạ tầng và nhân lực yếu kém thì đã rõ. Cùng với đó, do thiếu quy hoạch vùng và liên kết lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, phát triển tự phát và manh mún giữa các địa phương. Còn trong sản xuất thì sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua - chế biến cũng mới ở cấp độ sơ khai.
Hệ quả là cung cầu luôn lệch pha, tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trở thành điệp khúc kinh niên, vòng luẩn quẩn sản xuất - chế biến - tiêu thụ liên tục tái diễn. Hơn bao giờ hết, “báu vật” ĐBSCL cần có sự thay đổi chính mình, cần có nhạc trưởng đúng nghĩa, cần nâng tầm mối quan hệ cộng sinh mật thiết ở nhiều cấp độ, nhất là với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thái Hoàng Liêm