Trân trọng thước đo đại chúng

Đại chúng là thước đo có ý nghĩa đặc biệt đối với nghệ thuật và việc biết cách lắng nghe từ công chúng cũng vô cùng quan trọng đối với người làm nghệ thuật.
 Cảnh trong phim truyền hình Hãy nói lời yêu. Ảnh minh họa
Cảnh trong phim truyền hình Hãy nói lời yêu. Ảnh minh họa

Theo PGS-TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình lý luận văn học nghệ thuật, nếu chỉ tập trung vào dòng phim “nghệ thuật” mà không tính đến yếu tố khán giả thì rất khó thành công. Nhiều phim “nghệ thuật” nhưng không ra được rạp, không ai xem cũng rất buồn vì mục tiêu cuối cùng của tác phẩm vẫn là phục vụ khán giả.

Bất cứ nền điện ảnh nào cũng mong muốn vừa phát triển điện ảnh đại chúng vừa xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Nếu điện ảnh đại chúng biểu hiện ở số lượng, sự tiếp cận với đông đảo công chúng, có doanh thu cao để tái đầu tư sản xuất thì tác phẩm đỉnh cao lại giúp khắc họa, cô đọng nét văn hóa đặc sắc và làm nên thành công với các giải thưởng danh giá. Chính vì thế, với điện ảnh, câu chuyện doanh thu phòng vé cũng giữ một vai trò then chốt nhằm lan tỏa giá trị của nghệ thuật thứ bảy.

Mối quan hệ đan xen mạnh mẽ giữa nghệ thuật và giải trí không chỉ với điện ảnh mà cả với âm nhạc. Cách đây không lâu, trong một cuộc bình chọn nhằm tôn vinh các sản phẩm âm nhạc trong năm, có một số ý kiến cũng đặt vấn đề rằng MV này, sản phẩm âm nhạc kia có nên đưa vào danh sách đề cử hay không khi đó là tác phẩm làm với mục đích thương mại nhằm quảng quá thương hiệu, sản phẩm… Song, may mắn đó chỉ là những ý kiến thiểu số và kết quả bình chọn cuối cùng vẫn được trao dựa trên giá trị của sản phẩm âm nhạc đó tạo ra với người nghe.

Điều đó cho thấy, khi tác phẩm được công chúng đón nhận, tạo hiệu ứng trong xã hội thì đó chính là thành quả nghệ thuật của người sáng tác. Có thể có trường hợp các tác phẩm nghệ thuật tốt nhưng vì lý do này, lý do kia chưa đến được với công chúng nhưng với những tác phẩm thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng thì đó khó có thể là một tác phẩm kém. Không phải cứ thỏa mãn thị hiếu của công chúng là “dễ dãi” hay nghiệp dư hóa nghệ thuật. Tuy vậy, ranh giới này là rất mong manh, bởi thế đòi hỏi người làm nghệ thuật phải không ngừng tích lũy, xây dựng một nền tảng học thuật bền chắc để có nhiều tác phẩm chất lượng cao hướng tới đại chúng nhưng không làm “hư”, chiều theo thị hiếu mang tính lệch lạc của một số đối tượng công chúng nhất định.

Đại chúng là thước đo có ý nghĩa đặc biệt đối với nghệ thuật và việc biết cách lắng nghe từ công chúng cũng vô cùng quan trọng đối với người làm nghệ thuật. Bởi vậy, đã đến lúc cần gạt bỏ tâm lý xem nhẹ những tác phẩm thị trường để có những đánh giá công bằng, có những gợi mở, hỗ trợ phù hợp nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Tin cùng chuyên mục