Tránh thất thoát, lãng phí trong mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế ​

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tiêm chủng vaccine, chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh, đặc biệt là trong công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine... phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 30-9, Văn phòng Chính phủ vừa có công điện số 7036/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 

Công điện nêu rõ, để thực hiện mục tiêu tập trung phòng, chống dịch Covid-19 vừa hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tiêm chủng vaccine, chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh, đặc biệt là trong công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine... phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Việc quản lý, sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19 và các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho phòng, chống dịch bệnh phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định pháp luật, không được để xảy ra tiêu cực, lãng phí, trục lợi.

Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo, có kế hoạch, lộ trình cụ thể thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; phân công cụ thể nhiệm vụ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan và các đồng chí lãnh đạo phụ trách; xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh để phấn đấu đạt được mục tiêu giải ngân đề ra của năm 2021, góp phần thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế. 

Hằng tháng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, gửi kết quả giải ngân vốn đầu tư công về Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ chậm nhất là ngày mùng 3 của tháng tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30-9, vẫn còn 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân (chiếm 50%), do đó Thủ tướng yêu cầu phải tăng tốc giải ngân trong 3 tháng cuối năm.

Hiện nay, việc phục hồi sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiếu lao động trầm trọng và việc yêu cầu xét nghiệm mỗi nơi mỗi khác đang làm khó doanh nghiệp. Trong khi đó, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm Covid-19 và tự chịu trách nhiệm để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. 

Tin cùng chuyên mục