Tranh thủ!

Gần như thành thông lệ, mỗi năm vào trước và sau tết, Thủ tướng Chính phủ đều có chỉ thị cấm sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, báo chí cũng rộ lên đăng tải việc sử dụng xe công đi chợ, đi chùa, đăng danh sách biển số xe... Tiếp đến là Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các đơn vị bị báo chí nêu tên phải kiểm điểm nghiêm khắc, các đơn vị lại giải trình...

Đa số nội dung giải trình là “tranh thủ đi công tác tiện ghé qua!”, rồi mọi chuyện lại chìm vào quên lãng, chờ đến tết năm sau?! Hình như cụm từ “tranh thủ” có sức hóa giải và làm yên lòng mọi người.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn, chế độ chính sách chưa có hoặc có nhưng chưa rõ ràng thì mọi chuyện hầu như phải “tranh thủ”... Tranh thủ về thăm và lợp lại mái nhà cho mẹ, rào lại mảnh vườn, đào cái giếng cho vợ con... Lúc đấy tranh thủ có cái gì đó dễ thương, dễ chấp nhận đối với tổ chức và tập thể.

Ngày nay mọi chuyện dần đi vào nề nếp, chúng ta đang chủ trương xây dựng một nền hành chính chính quy, chuyên nghiệp... tất cả đang dần quy chế hóa, quy phạm hóa, luật hóa nhưng sự tranh thủ không hề giảm, càng ngày càng theo chiều hướng trầm trọng, phức tạp hơn.

Từ chuyện tranh thủ xe công đi làm việc riêng đến tranh thủ kiếm cái nhà, mảnh đất; cấu véo vào các dự án, con đường, cái cầu... Gần như thành thông lệ, một mô thức ứng xử giữa từng cá nhân với xã hội, với khối tài sản khổng lồ nhưng lại quản lý lỏng lẻo, gần như vô chủ đã trở thành thứ “văn hóa tranh thủ”!

Ai tranh thủ được nhiều thì càng lợi, hầu bao càng đầy, tư thế xã hội được ngộ nhận là càng cao. Rồi sẽ có đủ điều kiện vật chất như cái piston giúp đẩy lên vị trí cao hơn. Có một điều đáng buồn là xã hội nhiều khi còn mơ hồ coi tranh thủ là chuyện nhỏ, không đáng kể, chưa thấy hết hệ lụy của nó.

Không thấy cơ quan công quyền chịu trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước ở đâu, cơ quan quản lý công sản mà cứ để báo chí năm nào cũng vất vả làm cái việc đi kiểm tra, dù sao cũng không “danh chính ngôn thuận”, vẫn đứng ngoài lề “ngó vào”. Nên chăng, cơ quan này cử người đến các tụ điểm kiểm kê, kê biên rồi đề xuất các hình thức chế tài.

Thẳng thắn mà nói, các chỉ thị có tính chất hành chính - như chỉ thị cấm sử dụng xe công vào việc riêng mấy năm qua đã không mấy hiệu nghiệm trong bối cảnh thiếu kỷ cương trầm trọng như hiện nay. Có lẽ đến lúc phải thay bằng phương thức khác. Cần suy nghĩ để tìm giải pháp bền vững, căn cơ hơn. Xin nêu ra đây một giải pháp để cùng nhau suy nghĩ, đóng góp, hoàn thiện.

Nên chăng thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính? Cơ quan có nhu cầu xe cộ ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ từ các đồng chí có tiêu chuẩn xe con đến các cá nhân, tập thể có nhu cầu đi công tác cần dùng xe...

Làm như vậy sẽ tiết kiệm nhiều, tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, ngoài ra còn giảm được biên chế lái xe.

Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căng tin,... thì sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan. Đây là một xu thế xã hội hóa bước đầu đối với các cơ quan hoạt động công vụ.

Mở rộng phương thức này ra nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, hy vọng rằng khối tài sản công sẽ bớt đi tình trạng bị tranh thủ. 

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục