Trẻ yếu đuối vì bội thực tình thương

Hệ quả của việc Bi được đến 6 người chăm sóc, cung phụng, nựng nịu khiến nó bội thực tình thương và trở nên yếu đuối...

Cả hai anh chị đều là con một nên sau khi tổ chức hôn lễ, cả bên nội lẫn bên ngoại đều ngóng trông sớm được bồng ẵm cháu. Thế nhưng, càng mong thì nỗi thất vọng của ông bà nội, ngoại càng lớn.

Rồi sau 5 năm ngóng chờ mòn mỏi, họ vỡ òa niềm vui khi nghe vợ chồng trẻ loan báo tin mừng. Để cháu mình khỏe mạnh, cả nội lẫn ngoại thay nhau chăm sóc, bồi bổ cho mẹ bầu đủ thứ của ngon, vật lạ.

Ngay từ khi cháu trai chưa chào đời, hai bên sui gia đã bàn thảo kỹ lưỡng, sắp lịch cháu mình sẽ ở cả hai nhà cho công bằng. Đúng như kế hoạch, tháng đầu tiên ngay sau khi chào đời, cu Bi ở nhà ngoại và tháng thứ hai chuyển về nhà nội. Thời gian đầu, do mẹ còn nghỉ hậu sản nên việc xếp lịch cho cu Bi về nhà nội và ngoại không xảy ra trục trặc gì.

Ở nhà nào, cu Bi cũng được ông bà chăm sóc đặc biệt và dành tình thương vô hạn. Thế nhưng, đến khi mẹ cu Bi đi làm trở lại thì việc sắp xếp đưa cu Bi về nhà nội hay ngoại bị đảo lộn, không thể đúng như lập trình. Thế là bên nào không may bị “mất quyền” chăm sóc Bi cảm thấy thiệt thòi, phân bì.

Đến lúc cu Bi đi học, ba mẹ của Bi quyết định mua nhà chung cư ở riêng. Lúc này, hai bên nội ngoại cũng giành niềm vui được đón cháu đi học về. Và để vui lòng ông bà, cha mẹ Bi phải chấp thuận. Hơn nữa, việc ông bà giành phần đưa đón cũng làm giảm bớt áp lực phải về sớm đón con.

Thế nhưng, hệ quả của việc Bi được đến 6 người chăm sóc, cung phụng, nựng nịu khiến nó bội thực tình thương và trở nên yếu đuối. Khi chơi chung với trẻ cùng lứa tuổi, Bi tỏ ra ích kỷ, không biết sẻ chia, hòa đồng. Còn tại lớp học, Bi cũng chứng tỏ mình quan trọng, không cần ai. Nếu ai không chiều theo ý mình là Bi giận dỗi, bực tức, gây chuyện.

Nhận thấy học sinh của mình có nhiều biểu hiện cá biệt, bất thường trong hành vi ứng xử với bạn bè, cô giáo chủ nhiệm đã gặp mẹ Bi trao đổi và hiểu ra nguyên nhân sâu xa. Do từ bé đã trở thành “trung tâm của vũ trụ”, “con vàng con bạc” nên Bi chỉ quen được chiều chuộng, được người khác làm thay mọi việc, kể cả suy nghĩ.

Với những “cậu ấm” này, việc giáo dục ở nhà đã lệch hướng, tôn vinh cái tôi của trẻ lên quá cao, thậm chí biến các em thành “cây tầm gửi”... Vì thế, khi bước vào môi trường học đường thầy cô rất khó dạy bảo, uốn nắn. Hơn nữa, các em sẽ khó chấp nhận đối mặt với thử thách, trải nghiệm, suy nghĩ độc lập để trưởng thành, sống có ích cho gia đình, xã hội. Như thế lỗi đầu tiên thuộc về ai? 

Tin cùng chuyên mục