Trở bộ để tồn tại

Từ cuối tuần này, trong bối cảnh TPHCM tạm thời khống chế được dịch Covid-19, các sân khấu tại TP sẽ có suất diễn trở lại. Có lẽ đó là tin vui nhất với làng văn hóa - giải trí thành phố sau 8 tháng bất an vì dịch.

Nhiều người làm nghề nghĩ đây là một năm quá vất vả với những người làm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Những suất diễn bị cắt giảm, đồng nghĩa với thu nhập hầu như chỉ còn tượng trưng; những chương trình lớn tại các nhà hát, các cuộc thi - liên hoan đều hoãn vô thời hạn.

Và nghệ sĩ - diễn viên chuyển sang làm đủ thứ nghề để kiếm tiền. Một số không nhỏ nghệ sĩ gia nhập vào “làng” bán hàng online, cũng trang điểm lộng lẫy như lên sàn diễn, hàng ngày mưu sinh trên thế giới ảo. Người có điều kiện hơn một chút nô nức gia nhập vào “thế giới YouTube, Vlog” hòng mong được nút vàng - nút bạc hay top trending, vốn chẳng dễ dàng kể cả với dân chuyên nghiệp. 

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, việc thành lập các kênh Vlog riêng gần như là một xu hướng tất yếu để những người làm nghệ thuật thu hút khán giả nhiều hơn. Và chính nền tảng công nghệ và mạng xã hội này, lại trở thành một “trợ thủ” đắc lực trong tình hình dịch bệnh, khi mọi người hạn chế tiếp xúc, thực hiện “giãn cách xã hội”… thì việc xem chương trình từ trực tiếp sang trực tuyến là một lựa chọn quá thuyết phục.

Hai bà bầu sân khấu có tiếng trong làng sân khấu phía Nam, NSND Hồng Vân, NSƯT Trịnh Kim Chi đều có riêng những kênh Vlog. Nếu bà bầu Hồng Vân có nhiều phim chiếu web drama thì Trịnh Kim Chi lại gây chú ý với talk show “Chuyện người ta Chi kể” trên kênh Vlog cá nhân. Bên cạnh đó, các ca sĩ cũng có những chương trình âm nhạc riêng phát trên Vlog và đây cũng là một bệ phóng hiệu quả cho những gương mặt mới chạm ngõ là giải trí nhanh chóng trở thành những gương mặt hút khán giả. 

Tuy nhiên, việc các nghệ sĩ bắt đầu chú trọng vào việc kiếm tiền từ Vlog, đầu tư và trình chiếu sản phẩm tại đây khiến không ít khán giả lo ngại. Web drama, Vlog, livestream trực tuyến… là những lựa chọn phù hợp và thích ứng với thay đổi trong tình huống dịch bệnh, để nghệ sĩ có thể sống được với nghề trong mọi hoàn cảnh. Nhưng cũng cần phải cân nhắc và chú trọng những việc phát triển sân khấu truyền thống. Bởi nếu, nghệ sĩ đều “chuyển nhà” sang Vlog thì sân khấu truyền thống sẽ còn lại gì? Một thực tế cho thấy hiện nay, chúng ta đang thiếu những kịch bản thực sự chất lượng cho sân khấu truyền thống và diễn viên thực sự tài năng dưới ánh đèn sân khấu chứ không phải lộng lẫy trong vài chục phút trên web drama. Nếu sân khấu quay trở lại sau dịch, sẽ lại có rất nhiều chuyện phải làm.

Ngoài nỗi lo mang tên Vlog hay YouTube cá nhân, cũng phải nhìn nhận đã có những sự trở bộ đáng kể trong cách để sân khấu hay các chương trình âm nhạc đến được với nhiều khán giả trong mùa dịch này. Rất nhiều các chương trình đã được chuyển sang trực tuyến để thu hút khán giả ít ra khỏi nhà. Nghệ sĩ cũng livestream nhiều hơn, đưa sản phẩm âm nhạc đến với khán giả theo cách ít tốn kém nhất và phổ thông nhất. Và không chỉ ca sĩ mà ngay nghệ sĩ kịch nói cũng trình diễn “kịch một người” qua hình thức livestream. Ngay cả chương trình hòa nhạc tầm cỡ như Giai điệu Tổ quốc diễn ra vào tối 22-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng được tổ chức trong nhà hát không khán giả, chỉ truyền hình trực tiếp và trực tuyến. Một nỗ lực đáng ghi nhận của những người tổ chức và nghệ sĩ, chỉ với một mong muốn là được trình diễn để khán giả thưởng thức.  

Có người đã từng nói vui, nay là thời của “xã hội giải cứu”. Bất cứ thứ gì ứ đọng, khó tiêu thụ, chủ thể làm ra đều kêu gọi xã hội giải cứu. Hay thậm chí như chuyện Thảo Cầm viên Sài Gòn kêu gọi cộng đồng hỗ trợ trong cơn khó khăn vừa qua, cũng được nhiều cộng đồng trên mạng xã hội kêu gọi hỗ trợ, “giải cứu” đấy thôi. Nhưng, nghệ thuật thì không thể để giải cứu. Ngoài việc mong muốn khán giả mở lòng với các loại hình nghệ thuật, bản thân các đơn vị nghệ thuật cũng phải trở bộ. Khổ vì dịch nhưng không thể chờ vài trăm ngàn đồng hỗ trợ cho mỗi nghệ sĩ, nhân viên từ kinh phí địa phương, mà tự thân đơn vị nghệ thuật phải thay đổi cách tiếp cận khán giả. Đừng hô hào giải cứu nghệ thuật mà chính chủ thể làm nghệ thuật phải tìm đường cho mình…

Tin cùng chuyên mục