Chiến trường miền Nam sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 ngày trở nên ác liệt hơn, khi pháo đài bay B52 dội bom liên tục hàng ngày. Cuộc sống của anh em chúng tôi ngày một thiếu thốn gian khổ, đói và rét cùng bệnh tật. Giữa sự sống và cái chết chỉ là sợi chỉ mỏng manh.
Chiến dịch mở rộng khắp miền Nam, Đoàn Nghệ thuật Cộng hòa miền Nam Việt Nam phục vụ bộ đội với tần suất ngày càng nhiều. Trong rừng chiến khu, trên sân khấu đất bên một vạt rừng mới được phát quang, hai chiếc đèn măng sông leo lét ánh sáng, không hệ thống âm thanh, chúng tôi vẫn đàn, vẫn hát những bài hát chiến sĩ ưa thích. Và khi màn đêm buông xuống, bên đống lửa bập bùng cùng cái lạnh ở rừng, chúng tôi lại quây quần bên người chiến sĩ hát vang Chiều Mátxcơva, Cây liễu, Tổ quốc tôi, Cachiusa….
Trong kháng chiến, đoàn nghệ sĩ miền Nam chúng tôi đã được mời sang Liên Xô biểu diễn. Những ngày cuối năm, trời thật lạnh, tuyết phủ trắng xóa trên mặt đất, trên những cành cây và các mái nhà. Chưa bao giờ chúng tôi nhìn thấy tuyết, một màu trắng mịn màng và lạ lẫm đến như vậy. Đất nước và con người Liên Xô đã dành những tình cảm nồng hậu nhất cho những nghệ sĩ từ chiến trường Việt Nam xa xôi.
Giabaikal - TP biên giới hôm nay nhộn nhịp, từng đoàn thanh niên trong bộ áo quần truyền thống tay cầm hoa, cầm cờ Việt Nam và Liên Xô đi đón đoàn. Trong sân ga, giăng đầy biểu ngữ lớn với dòng chữ “Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Liên Xô đời đời bền vững”, “Chào mừng Đoàn Nghệ thuật Cộng hòa miền Nam Việt Nam đến thăm và biểu diễn hữu nghị tại Liên Xô”. Đoàn quân nhạc với những bản nhạc rộn ràng đón chào. Trời lạnh nhưng lòng chúng tôi ấm áp bởi tình cảm hữu nghị nồng ấm ấy. Nghi thức đón tiếp với bánh mì đen và muối đã nói lên tất cả.
Siberi mênh mông với những rừng cây bạch dương đầy tuyết phủ. Hồ Baikan rộng lớn, nước đã đóng thành băng. Thành phố khoa học Novosibirsk đang hiện dần phía trước, đêm rồi lại ngày, con tàu vẫn lao nhanh giữa vùng đất trắng xóa… Mátxcơva trái tim của Liên bang Xô Viết đã nồng nhiệt chào đón đoàn nghệ thuật của nhân dân miền Nam. Khách sạn mang tên Nước Nga là khách sạn sang trọng và lớn nhất được dành cho đoàn nghỉ.
Các bạn Liên Xô đã quan tâm lo lắng cho anh chị em chúng tôi từ những vật dụng sinh hoạt nhỏ bé nhất, chiếc khăn len quàng cổ, mũ lông cừu che tai, găng đeo tay, đến chiếc áo khoác ấm nặng trĩu, đồ ăn thức uống hàng ngày cho phù hợp với khẩu vị... Ban tổ chức do Bộ Văn hóa cử đi theo trong suốt thời gian chúng tôi ở Liên Xô. Một tập thể nghệ sĩ ưu tú trong đó có đạo diễn, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ Xô Viết luôn ở bên nghệ sĩ Việt Nam để giúp đỡ và giải quyết, chỉ dẫn về chuyên môn. Các nghệ sĩ Liên Xô đã làm việc ngày đêm, không quản mệt mỏi dàn dựng cho chúng tôi một cách chính xác các bài hát, điệu múa dân gian.
Chúng tôi không thể nào quên được đêm biểu diễn đầu tiên tại phòng hòa nhạc mang tên Tchaikovsky - phòng hòa nhạc nổi tiếng trên thế giới. Trong bộ quân phục với những chiếc huân huy chương lấp lánh trên ngực, các nghệ sĩ Việt Nam và Liên Xô trò chuyện vui vẻ như những người thân lâu ngày mới gặp lại. Phóng viên các hãng thông tấn, truyền hình và báo chí ghi lại những giây phút ân tình ấy không dứt. Cả nhà hát là một biển người, những tràng vỗ tay kéo dài sau mỗi tiết mục.
Bài hát Việt Nam, Liên Xô mà chúng tôi vẫn hát trong đêm ở rừng chiến khu nay lại vang lên giữa thủ đô Xô Viết như một lời tâm tình từ đáy lòng của mình. Cả sân khấu là một rừng hoa, đêm biểu diễn vô hình trung là cuộc mít tinh với những tiếng hô vang và những cánh tay đưa cao ủng hộ Việt Nam: “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô muôn năm. Chào mừng các nghệ sĩ đến từ chiến trường miền Nam anh hùng”…
NS TRẦN MÙI