Thứ sáu 15-3, nghi phạm Brenton Tarrant xả súng trong 2 nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Tối cùng ngày, tôi đi xem con gái và nhóm bạn trong trường trung học công diễn vở kịch Kapot (tạm dịch Đổ vỡ). Kịch diễn tả nỗi buồn, nỗi sợ, thậm chí bi kịch tuổi mới lớn. Một cậu bé tị nạn gốc Hồi giáo cởi áo, leo lên giàn treo giữa hai hàng ghế khán giả và giang tay như hình Chúa chịu đóng đinh. Các nhân vật trên sân khấu ào lại, lên giàn chung tay kéo cậu trở lại đời thường. Cuộc đời là vậy, sau đổ vỡ là hàn gắn, cứu rỗi.
Mười năm trước, khi tôi tham gia lớp học hòa nhập xã hội Bỉ, người thầy (cũng nhập cư) nhắc đi nhắc lại: Bỉ có nhiều đảng phái. Có đảng thân thiện với người nhập cư như SPA muốn mọi dân tộc, màu da cùng chung tay phát triển đất nước. Cũng có đảng cực hữu chỉ vì quyền lợi người gốc Bỉ như Vlaams Belang. Đảng này hành động chỉ vì quyền lợi người gốc Bỉ, muốn một tương lai “cho con cái của chúng ta” và bảo vệ “sự phồn thịnh của chúng ta” mà thôi. Tờ Het Nieuwsblad đưa tin Vlaams Belang đã dành một phút tưởng niệm nạn nhân ở New Zealand nhưng vẫn tiến hành cuộc gặp những người chống Hồi giáo ở Antwerpen.
Có dạo, tôi cũng chẳng muốn vào cửa hàng bánh mì gần nhà nữa. Bà chủ luôn tỏ thái độ khó chịu, hay cau mặt, kéo con ra khi con bà ôm vai bá cổ vui đùa cùng con tôi. Ngược lại, với người da trắng khác và con cái họ thì bà lại thân thiện, vui vẻ hơn nhiều.
Người Hồi giáo lúc này và người nhập cư nói chung thường nhạy cảm không chỉ trước tư tưởng, phát ngôn, mà cử chỉ của người da trắng bản địa cũng bị dò xét kỹ. Bản thân người da trắng khi đối diện với những câu chuyện chung hay nhận xét của người da màu, người nhập cư cũng nhạy cảm mong manh lắm. Hóa ra toàn làm khổ nhau.
Hai tuần trước, gặp tôi ở cổng trường, một cậu bé 8 tuổi lại gần nói: “Cô ơi, hôm nay con trai cô có bài thuyết trình về chiếc nón lá Việt Nam rất hay. Cái nón không chỉ che mưa che nắng mà còn là tác phẩm nghệ thuật, cả lớp được bạn mời vẽ tranh, ký tên lên nón...”. Tôi thầm cảm ơn cách dạy tiếp cận đa văn hóa của trường. Tôi cũng mừng cho cha mẹ cậu bé người bản xứ này có một đứa con sớm biết mở lòng trước sự khác biệt, biết nhìn thấy cái hay cái đẹp của sự khác biệt. Đấy mới là một tương lai hoan hỉ mở ra trước mắt cậu bé.
Thứ bảy tuần qua, lễ hội hóa trang rộn rã và rực rỡ diễu qua thành phố Leuven. Tôi bước vào quán kebab của người Thổ gần đó. Trong bếp tụ đến 5 người đàn ông Hồi giáo, chắc có ý tạo công ăn việc làm cho đồng hương. Người nấu, người rửa, người bưng bê, người tính tiền và người đi giao hàng. Một thực khách da trắng nhường ghế cho gia đình Hồi giáo đông con. Bà mẹ da trắng chỉ gọi một pizza nhưng người phục vụ ý tứ dọn luôn 2 bộ dao dĩa để mẹ chia bánh cùng con trai nhỏ. Không khí tình anh em làm việc tương thân tương ái tràn trề trong bếp cũng giống không khí khán giả đứng dậy xúc động vỗ tay trước vở kịch Kapot ở trường trung học của con tôi, như gương mặt hân hoan tiếp nhận bài luận về chiếc nón Việt của cậu bé 8 tuổi. Đây thực sự là những ngôi đền chung thiêng liêng cho mọi màu da, mọi tôn giáo hướng về.