Những ngày gần đây, dư luận nhiều nước trên thế giới thực sự lo ngại khi có thông tin về việc nhiều trẻ em Trung Quốc bị sỏi thận, thậm chí có trường hợp tử vong do sử dụng loại sữa bột mang nhãn hiệu Sanlu (Tam Lộc) của Công ty Sanlu, một trong những nhà sản xuất sữa hàng đầu nước này, đã bị nhiễm phải Tripolycyanamide – một hóa chất có thể gây sỏi thận.
Trong khi đó, tại Việt Nam, trong suốt một tuần qua, người dân trong nước cũng đặc biệt quan tâm tới việc Cảnh sát Môi trường phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế phát hiện 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo (Phúc Thành Khang, Thanh Xuân và Phong Lan) ở xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội sử dụng chất CaCO3 (bột đá) trong sản xuất kẹo, với hàm lượng lên tới 39% trong sản phẩm.
Hai vụ việc trên xảy ra ở hai đất nước khác nhau nhưng đều có liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên cách giải quyết, xử lý những vi phạm về ATVSTP trong vụ sữa bột Sanlu của Trung Quốc là điều mà chúng ta không thể không lưu tâm.
Ngay sau khi vụ sữa bột bị phát hiện, các nhà chức trách Trung Quốc đã tiến hành mở ngay cuộc điều tra về sữa bột trên phạm vi toàn quốc. Bộ Y tế Trung Quốc lập ngay một nhóm điều tra liên bộ, để điều tra vụ việc và xử lý nghiêm những người có trách nhiệm, đồng thời ban hành những hướng dẫn về việc điều trị cho những trẻ bị sỏi thận sau khi uống phải loại sữa nói trên. Thậm chí, cảnh sát Trung Quốc cũng đã tiến hành triệu tập và thẩm vấn 78 người có liên quan đến vụ bê bối này.
Trong khi đó, mặc dù vụ việc kẹo “bột đá” được phát hiện từ ngày 5-9 nhưng đã hơn 10 ngày trôi qua, Bộ Y tế nước ta vẫn chưa hề có một thông báo chính thức nào cho người dân về những tác hại cụ thể của loại kẹo “bột đá” đối với sức khỏe con người, cho dù thành phần, hàm lượng bột đá trong kẹo đã được Viện Dinh dưỡng xét nghiệm làm rõ. Phải chăng vì chúng ta chưa có người dân nào phải nhập viện do sử dụng loại kẹo nguy hiểm này nên các cơ quan có trách nhiệm vẫn còn thờ ơ.
Được biết, vụ việc kẹo “bột đá” hiện đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ. Tuy nhiên, xung quanh vụ việc này, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Y tế, Cục Cảnh sát Môi trường bước đầu đã có kết luận, 3 cơ sở sản xuất trên vi phạm nghiêm trọng quy định về đảm bảo ATVSTP, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ và con người. Việc sử dụng CaCO3, thành phần không có trong danh mục nguyên liệu đã công bố, để sản xuất kẹo là vi phạm những quy định về ATVSTP. Những sai phạm về mặt hành chính đã rõ ràng nhưng việc xử lý đối với 3 cơ sở trên xem ra vẫn còn quá nhẹ. Mới chỉ dừng lại ở việc đình chỉ sản xuất, thu giữ 3,4 tấn bột đá và hơn 8,5 tấn kẹo thành phẩm để tiêu hủy. Trong khi đó, hiện nay đã có hàng chục tấn kẹo của 3 cơ sở trên đưa ra thị trường nhưng vẫn chưa bị đề nghị thu hồi. Việc xem xét trách nhiệm của chính quyền và người đứng đầu cơ quản lý về ATVSTP ở địa phương cũng chưa được đề cập tới, mặc dù việc sản xuất kẹo “bột đá” đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Đúng là, trông người mà ngẫm đến ta!
Trung Kiên