Trung tâm… chờ người nghiện

Mang phòng xét xử đến trung tâm
Trung tâm… chờ người nghiện

Với chức năng tiếp nhận đối tượng xã hội, trong thời gian chờ lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (gọi tắt là trung tâm Nhị Xuân) và Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (trung tâm Bình Triệu) sẽ chăm sóc người lang thang nghiện ma túy theo đề án của TP. Ở đây, công tác chuẩn bị để cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đang được hoàn tất.

Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân đang được cải tạo để tiếp nhận người lang thang nghiện ma túy.

Mang phòng xét xử đến trung tâm

Một trong những điểm mấu chốt trong việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện tập trung là tòa án sẽ xem xét, quyết định biện pháp này (thay cho chủ tịch UBND quận, huyện), theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ông Trần Hữu Thám, Phó Giám đốc trung tâm Nhị Xuân cho biết, trung tâm đã chuẩn bị 2 phòng xét xử, mỗi phòng rộng khoảng 100m², để các tòa sẽ mở phiên xử lưu động tại trung tâm, quyết định có đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc hay không. Trong trường hợp đông người tham dự, hội trường của trung tâm có thể được linh hoạt sử dụng làm phòng xét xử. Tương tự, ở Bình Triệu, ông Lê Bá Hoàng, quyền Giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm đang sửa chữa lại, làm mới 4 phòng xét xử và 1 hội trường trung tâm. Nếu tòa có phán quyết đưa đi cai nghiện bắt buộc thì trung tâm sẽ chuyển người nghiện ma túy đến các cơ sở chữa bệnh.

Ông Hoàng cho biết, hàng chục năm làm công tác cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy, chưa năm nào trung tâm “ế” như năm nay. Cả trung tâm hiện chỉ có 6 người, chủ yếu thuộc diện học viên trốn cơ sở chữa bệnh, đang đang lưu trú, chuẩn bị được chuyển vào lại các trung tâm. Cơ sở vật chất không sử dụng nên dần xuống cấp. Thực hiện đề án của TP, trung tâm Bình Triệu cũng đang sửa chữa lại nhiều hạng mục: Nâng nền sân chống ngập; sơn sửa các phòng, nơi lưu trú học viên; làm lại hệ thống điện, nước; gia cố hàng rào chắn… Đặc biệt là trang bị các thiết bị y tế cho 7 phòng phục vụ cắt cơn, giải độc, điều trị, phục hồi sức khỏe cho người nghiện ma túy. 250 giường nằm, gồm 50 giường đơn, thấp dùng trong phòng y tế và 200 giường đôi trong phòng ở, cũng được trang bị mới. Dự kiến, toàn bộ kinh phí sửa chữa khoảng 2 tỷ đồng và sẽ hoàn tất vào ngày 30-11.

Trong khi đó, trung tâm Nhị Xuân có 19 phòng cắt cơn, giải độc, điều trị cho người nghiện ma túy. Ông Thám cho biết, hiện trung tâm đang có 1.000 học viên. Trong đó, 700 học viên đã cai nghiện bắt buộc gần 2 năm, số lượng này sẽ giảm dần do sắp chuyển sang giai đoạn sau cai, tái hòa nhập cộng đồng và 300 người cai nghiện tự nguyện. Trung tâm sẽ dồn dịch, bố trí 3 đội. Mỗi đội rộng khoảng 3.000m², chăm sóc khoảng 300 - 400 học viên. Các đội đều có đầy đủ khu vực y tế, tư vấn tâm lý, nơi vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao…

“Chuẩn bị tinh thần ở lại tết”

Ông Bùi Thanh Tuấn, Giám đốc trung tâm Nhị Xuân cho biết như thế về tinh thần sẵn sàng của 174 cán bộ nhân viên trung tâm khi bước vào thực hiện đề án của TP. Đề án giao trung tâm tiếp nhận từ 1.000 - 1.500 lượt người. So với giai đoạn cao điểm (từng tiếp nhận 2.700 người) thì việc chăm sóc lượng người như đề án giao là hoàn toàn trong khả năng phục vụ. Hiện trung tâm có 21 y bác sĩ, sẽ thay nhau làm việc 24/24 giờ. Nếu cần thêm đội ngũ y tế, trung tâm sẽ được tăng cường ngay các bác sĩ, y tá từ các đơn vị cai nghiện khác trong Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM để đảm bảo nhập cuộc ngay, không cần chờ thời gian đào tạo.

Với 10 y bác sĩ, ông Hoàng cho biết, trung tâm Bình Triệu đang đăng tuyển thêm 2 y bác sĩ. Năm 2013, trung tâm từng đón 5.000 lượt người nghiện đến lưu trú, vì thế, trung tâm có thể tiếp nhận, chăm sóc tốt cùng lúc khoảng 400 - 500 học viên như đề án giao. Liệu khả năng tiếp nhận này có bị quá tải so với khoảng 12.000 người lang thang nghiện ma túy (chiếm 60% tổng số người nghiện ma túy ở TPHCM) cần được chăm sóc? “Do người lang thang nghiện ma túy chỉ tạm thời lưu trú ở trung tâm; trung tâm đóng vai trò là nơi trung chuyển người lang thang nghiện ma túy đến các cơ sở chữa bệnh khác, vì thế, rất mong các ngành phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển. Dự kiến học viên lưu trú khoảng 15 ngày và có thể thấp hơn như quyết tâm rút ngắn thời gian của TP. Như trước đây, có ngày trung tâm điều động xe, di chuyển 100 - 200 người là chuyện bình thường. Nếu thế, sẽ tránh được tình trạng ùn ứ học viên”, ông Hoàng mong mỏi.

Người lang thang nghiện ma túy sẽ được đưa vào hai trung tâm trên, tạm thời lưu trú khoảng 15 ngày. Trong thời gian đó, ngành công an sẽ thẩm tra xác minh nơi cư trú của họ. Nếu có nơi cư trú ổn định, người nghiện ma túy sẽ được đưa về địa phương để giáo dục tại phường, xã, thị trấn; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; cai nghiện bắt buộc (tùy trường hợp cụ thể). Nếu không có nơi cư trú ổn định, người nghiện ma túy được lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong trường hợp tòa cho rằng không đủ cơ sở để đưa đi cai nghiện bắt buộc thì đối tượng sẽ được trả lại cộng đồng, không giữ lâu dài ở trung tâm.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục