Buổi triển lãm mang tên Thôi! xuống đi! của The People - một tổ chức phi lợi nhuận được sáng lập và vận hành bởi các bạn học sinh - sinh viên vừa diễn ra tại TPHCM thu hút sự chú ý của rất đông các bạn trẻ. Họ đến đây không chỉ để tham quan những tác phẩm nghệ thuật tái chế từ rác mà còn được trực tiếp tham gia thực hành, được hướng dẫn làm các đồ dùng hàng ngày từ rác thải. Đó là những chậu cây cảnh, những chiếc vòng trang trí được làm từ chai nhựa; nắp chai được kết thành một chú rùa; những chiếc túi ni lông biến thành “cư dân phố biển” là mực, bạch tuộc cá...; mô hình con tàu Titanic từ giấy; những chiếc móc khóa, hộp đựng bút... Tất cả đều sống động, đầy màu sắc và rất gần gũi. Và nếu không được chính các bạn tình nguyện viên giải thích, không ai nghĩ những sản phẩm ấy được tái tạo từ nguyên liệu chúng ta bỏ đi trong cuộc sống hàng ngày.
“Ban đầu chúng em chỉ nghĩ sẽ làm một ý tưởng gì đó cho cộng đồng nhưng không ngờ mình có thể đi đến ngày hôm nay. Có những vật dụng trong cuộc sống bị đánh giá thấp, thậm chí bỏ đi và chúng em cố gắng khai thác điều đó. Năm 2016 và 2017, chúng em đã dùng giấy vụn để làm các sản phẩm với thông điệp bảo vệ môi trường. Đến năm nay, chúng em suy nghĩ còn nhiều loại rác thải khác và có thể làm nhiều thứ hơn nữa”, Hoàng Thu - nữ sinh vừa tốt nghiệp THPT, trưởng ban tổ chức chia sẻ ý tưởng.
Chính từ niềm đam mê ấy, Thu đã truyền lửa đến các bạn trẻ cùng trang lứa với mình. The People hiện có tổng cộng 70 tình nguyện viên, đa phần là học sinh cấp 3, một số ít là học sinh cấp 2. Ngoài địa bàn hoạt động chính tại TPHCM, đã có một số bạn đến từ các tỉnh thành khác ở Việt Nam và cả du học sinh ở nước ngoài.
Lê Khuê Minh Bản, năm nay bước vào lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM chia sẻ, năm ngoái em có cơ hội được tham gia chương trình do được bạn bè giới thiệu. Vì rất thích thú với ý tưởng này nên em quyết định tham gia. Năm nay, Minh Bản là một thành viên Ban Quan hệ tài trợ. Một thành viên khác rất đặc biệt là Nguyễn Lê Yên Vi - du học sinh Mỹ cho biết, cách đây 2 năm cô biết đến tổ chức này thông qua chia sẻ trên Facebook của một người bạn. Cảm thấy rất thú vị, lại hợp với sở thích làm đồ handmade của mình, Vi đăng ký tham gia. Dù là du học sinh ở Mỹ nhưng Vi vẫn thường xuyên trao đổi với các tình nguyện viên khác trong nhóm về ý tưởng cho các sản phẩm. Triển lãm năm nay diễn ra vào đúng kỳ nghỉ hè nên Vi có cơ hội về nước và đồng hành cùng nhóm.
Bắt đầu từ một ý tưởng nhỏ, lại là tổ chức của học sinh - sinh viên nên để duy trì hoạt động sang năm thứ 3 là cả nỗ lực rất lớn. “Khó khăn đầu tiên là xin tài trợ địa điểm. Năm nay chúng em đã gõ cửa đến 40 nơi, gửi email bị từ chối hàng loạt và chỉ có duy nhất một đơn vị nhận lời hỗ trợ. Là tổ chức phi lợi nhuận của học sinh - sinh viên, những năm đầu hoạt động vì chưa có nền móng nên vấn đề xin tài trợ là thử thách lớn. Riêng về thành viên, 1-2 năm đầu cũng không tránh khỏi chọn nhầm người, dẫn đến việc mọi người không gắn bó lâu dài”, Hoàng Thu chia sẻ.
Bước sang năm thứ 3 đi vào hoạt động, mọi thứ đã có những biến chuyển tích cực hơn. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng Thu tự hào vì năm nay số lượng nhà tài trợ giúp nhóm có đủ kinh phí tổ chức triển lãm, các buổi trao đổi, thực hành trong 2 ngày liên tiếp. Kinh nghiệm qua các năm tổ chức khiến Thu nhận ra: “Để thuyết phục được, vấn đề cốt lõi là ý tưởng phải hay, làm cái gì chưa ai làm để mọi người cùng muốn thử. Bên cạnh đó, cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp, lễ phép vì chúng em còn rất trẻ”.
Bắt đầu từ ý tưởng nhỏ, thành quả đầu tiên mà The People đạt được không phải là những triển lãm quy mô. Đó là việc giúp chính các bạn tham gia thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và lan tỏa những điều ý nghĩa ấy ra cộng đồng. Minh Bản tự nhận, mình đã thay đổi cách dùng ống hút bằng tre, inox thay ống hút nhựa, dùng túi vải hay túi ni lông, tiết kiệm điện... Yên Vi cũng chia sẻ về công việc của mình với các bạn ở nước ngoài và luôn hy vọng sẽ truyền cảm hứng đó đến nhiều người hơn.