Truyền nghị lực sống đến người khuyết tật

Hơn 20 năm qua, nữ giám đốc mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh Nguyễn Thị Thu Thương (ngụ TP Hà Nội) đã dạy nghề miễn phí, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, người yếu thế và truyền năng lượng, nghị lực sống trong cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Khiếm khuyết không phải là rào cản

Thân hình nhỏ bé, nặng khoảng 20kg, cao 80cm, không thể tự sinh hoạt cá nhân, nhưng Thu Thương đã mở thành công Doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade (quận Đống Đa, TP Hà Nội), từ đó giúp nhiều mảnh đời bất hạnh có việc làm, tạo thương hiệu đối với sản phẩm tranh giấy cuốn.

Nói về duyên cớ với nghề làm tranh giấy, chị Thương kể rằng yêu thích đồ thủ công từ lúc nhỏ qua công việc may vá, thêu thùa của mẹ. Hình ảnh người mẹ miệt mài đạp máy khâu đến tận khuya để sửa, may vá hàng cho khách và không để con mình thiếu thốn thứ gì đã thôi thúc chị cần phải tự nuôi sống bản thân, phụng dưỡng bố mẹ. “Lời của cô hàng xóm ghé qua nhà khi tôi đang nằm chơi ở phòng may của mẹ: “Xuống đây làm gì thế, có biết giúp đỡ bố mẹ không?” càng thôi thúc tôi quyết tâm học nghề ở tuổi 20”, chị Thương chia sẻ.

A4e.jpg
Công nương Nhật Bản Kiko yêu thích sản phẩm tranh giấy của Thương Thương Handmade. Ảnh: NVCC

Sau nhiều lần thuyết phục bố mẹ, chị Thương được đi học nghề khoảng 3 tháng với sản phẩm là đèn khuy áo. Không bằng lòng với thực tại, suốt 10 năm sau đó, chị học thêm nhiều nghề thủ công khác như đan khăn, làm tranh giấy…, dành dụm tiền bán hàng để thực hiện kế hoạch mở xưởng dạy nghề, tạo việc làm cho người yếu thế. Tuy gặp khó khăn về nguồn vốn, khách hàng, chị vẫn gồng mình để duy trì và phát triển công việc dạy nghề cũng như làm đồ thủ công với sản phẩm chính là tranh giấy cuốn.

Ghé thăm xưởng của chị Thương, chị Hồng Nhung (22 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng những tác phẩm được tạo ra lại rất tỉ mỉ, chỉn chu và mang bao tâm huyết của người làm trong đó”.

Dù chưa từng đến trường lớp, chỉ học chữ ở nhà và được các sinh viên tình nguyện dạy tiếng Anh, nhưng chị Thương vẫn giao dịch được với nhiều khách hàng nước ngoài và gửi mẫu sản phẩm cho khách do chị cùng một họa sĩ (cũng là người khuyết tật) thiết kế.

Bằng việc viết bài giới thiệu sản phẩm của xưởng trên các trang tin rao vặt, qua sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo… và sự quan tâm của cộng đồng, chị Thương ngày càng mở rộng thị trường bán hàng, đối tác và tệp khách hàng mục tiêu. Từ đó, website bán hàng của xưởng được mở với nhiều mẫu sản phẩm làm từ giấy cuốn, bao gồm tranh phong cảnh, logo, hộp trang sức, hộp bút, khuyên tai…

Các sản phẩm của Thương Thương Handmade tạo nên thương hiệu riêng, tất cả đều nhờ công sức lao động bỏ ra, sự tỉ mỉ của người làm khi phải cuộn hàng trăm, hàng ngàn sợi giấy nhỏ để tạo nên bức tranh. Xưởng ngày càng có nhiều đơn hàng quốc tế vì đáp ứng được thị hiếu chuộng hàng thủ công của người nước ngoài. Sản phẩm của Thương Thương Handmade có mặt trên nhiều thị trường quốc tế như Nhật, Đức, Mỹ, Anh, Pháp…

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Hiện nay, Thương Thương Handmade đang hỗ trợ chỗ ăn ở, tạo việc làm cho 15 người khuyết tật, người yếu thế. Chị Thương cho biết: “Tôi luôn cố gắng kiếm nhiều đơn hàng, đối tác mới, tích cực bán hàng, làm truyền thông để nhân viên của xưởng Thương Thương Handmade có công việc ổn định”.

Chị Quỳnh, nhân viên trong xưởng, tâm sự: “Từng làm nhiều việc trước đó, nhưng đây là công việc phù hợp nhất với tôi. Tôi rất biết ơn chị Thương đã giúp đỡ tạo công việc để bản thân có thể tự lo cho cuộc sống, gia đình bớt lo lắng”.

A1m.jpg
Quỹ “Thương Thương hát vì người bệnh” đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân thiếu máu bẩm sinh. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, chị Thương còn tổ chức, tham gia nhiều dự án cộng đồng nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, như chương trình “Cùng nhau tỏa sáng, chung tay cộng đồng”, tổ chức sự kiện đấu giá tranh của xưởng, thành lập nhóm “Thương Thương hát vì người bệnh” trên phố đi bộ để gây quỹ giúp đỡ bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân nghèo thiếu máu bẩm sinh và người khuyết tật.

Nữ giám đốc “nhỏ bé” chia sẻ: “Tôi không thiên về hoạt động xã hội, các hoạt động gây quỹ ủng hộ cho người khó khăn chỉ là hoạt động phụ. Hướng đi chính của tôi và mong muốn cộng đồng biết đến là hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật, nhóm người yếu thế”.

Với mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng người yếu thế chị Thương bày tỏ: “Sau này, nếu gia đình không ai nối nghiệp, tôi sẽ chọn người làm lâu năm có tay nghề, kinh nghiệm bán hàng để tiếp tục duy trì hoạt động của Thương Thương Handmade”.

Tin cùng chuyên mục