Truyền thông Mỹ với tranh cử tổng thống

Trong bầu không khí chính trị đang diễn ra sôi động tại Mỹ, không khó để thấy rằng cuộc đua vào Nhà Trắng đã thật sự trở thành miếng mồi béo bở cho các hãng truyền thông. Ứng viên nào biết vận dụng truyền thông hiệu quả sẽ có nhiều lợi thế hơn trong vòng bầu cử, liệu điều này có chính xác?
Truyền thông Mỹ với tranh cử tổng thống

Trong bầu không khí chính trị đang diễn ra sôi động tại Mỹ, không khó để thấy rằng cuộc đua vào Nhà Trắng đã thật sự trở thành miếng mồi béo bở cho các hãng truyền thông. Ứng viên nào biết vận dụng truyền thông hiệu quả sẽ có nhiều lợi thế hơn trong vòng bầu cử, liệu điều này có chính xác?

Truyền thông Mỹ với tranh cử tổng thống ảnh 1

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump

Tăng lượng rating

Ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa hiện nay là tỷ phú Donald Trump. Trong khi đó, bà Hillary Clinton vẫn phải chờ sự thông qua cuối cùng của các siêu đại biểu tại Đại hội Toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 7 tới mới có thể nắm chắc tấm vé đại diện cho đảng này. Nhưng dự đoán của giới chính trị đều cho rằng, chắc chắn bà Hillary sẽ song hành cùng ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong bài báo nói về sự đấu tranh chật vật để cân bằng “kỷ nguyên của Donald Trump” trên truyền hình, tờ New York Times cho rằng, ông Trump giờ đã thành tâm điểm trên các kênh phát sóng, trong khi bà Hillary vẫn đang tìm cách lấy thêm sự thu hút của khán giả. Sau thời gian bị xoáy theo Donald Trump, ngành truyền hình phải tìm cách chọn lựa giữa chương trình có rating cao nhờ ông Trump và các chương trình giải trí khác để mang lại sự công bằng hơn trong vòng bầu cử Mỹ diễn ra sắp tới. Nhiều chuyên gia chính trị buộc phải thừa nhận sự thành công mà ứng viên Donald Trump có được, một phần do giới truyền thông đã xem chiến dịch tranh cử của ông như đề tài ăn khách để các nhà báo tha hồ khai thác, trong khi lại ít đả động đến các ứng viên khác của đảng Cộng hòa.

Theo Viện Nghiên cứu Mediaquant, tổng cộng thời lượng phát sóng và các bài báo mà truyền thông Mỹ thời gian qua đã tặng không cho ông Trump tương đương với số tiền 1,89 tỷ USD. Trong khi đó, bà Hillary Clinton chỉ được hưởng khoảng 746 triệu USD lên báo miễn phí cho chiến dịch tranh cử của mình. Theo New York Times, đang tồn tại sự lệ thuộc lẫn nhau giữa truyền thông Mỹ và chiến dịch tranh cử của Trump, bất cứ thứ gì được ông Trump đăng trên Twitter đều có thể dễ dàng “nhảy” lên trang nhất của các báo đài. Kênh truyền hình CNN, vốn đang trong giai đoạn khó khăn, cũng đã tìm lại được một lượng khán giả đáng kể bằng một loạt chương trình phát sóng trực tiếp về nhất cử nhất động của ông Trump. Dù đã cố gắng tranh thủ sự ủng hộ từ các kênh truyền hình nhưng so với ông Trump, bà Hillary Clinton vẫn không nhận được sự quan tâm của các kênh truyền hình. CNN, Fox News, MSNBC là những kênh thường xuyên bám sát các hoạt động của ông Trump và ít khi phát sóng trực tiếp những bài phát biểu của bà Hillary trong giai đoạn vận động tranh cử. Sức hút từ các chương trình có ông Trump xuất hiện đã tăng lượng rating và đem lại nhiều hợp đồng quảng cáo hơn so với những đối thủ khác. Ở CNN, doanh thu từ các hợp đồng quảng cáo đã tăng 45%, còn MSNBC là 23%.

Sự bất hợp lý trên của các kênh truyền hình đã bị những tờ báo hàng đầu của nước Mỹ chỉ trích. Ngoài New York Times, tờ Washington Post chỉ trích cánh truyền thông bảo thủ của Mỹ đã ra sức ủng hộ cho ông trùm bất động sản và quá dễ dãi với các quan điểm không nhất quán, thiếu hiểu biết của ông Trump trong đối ngoại. Các báo cũng lờ đi những thất bại trong công việc làm ăn và đời sống gia đình của ông Trump.

Tìm điểm yếu cá nhân

Là đối thủ của tỷ phú “bạo miệng” Donald Trump, đội ngũ cố vấn của bà Hillary buộc phải hoạt động gần như tối đa để đáp trả và tìm cách giành lại những ưu thế trên truyền thông mà ông Trump luôn tìm cách lấn lướt. Tuyệt chiêu của ông Trump từ trước đến giờ là những tuyên bố mang tính xỉa xói, công kích cá nhân, nhằm khiến đối thủ ngày càng bức xúc và bộc phát những lời nói hớ hênh. Là nhân vật dày dạn về ngành truyền thông, ông Trump sử dụng nhuần nhuyễn tuyệt chiêu này và sẵn sàng tấn công bất cứ ai bằng những lời nói khó nghe nhất, những cáo buộc mơ hồ nhất. Những ứng viên trong đảng Cộng hòa bị ông Trump đánh bại thừa nhận rằng, đã mắc không ít sai lầm khi đánh giá thấp ông Trump và luôn mắc bẫy tỷ phú này khi tìm cách đáp trả.

Hãng tin MSNBC cho rằng, sau khi giành chiến thắng sớm trong đảng Cộng hòa, ông Trump chắc chắn sẽ chĩa mũi dùi vào bà Hillary. Khi đó, chiến lược đối phó với những đòn công kích sẽ quyết định vận mệnh chính trị của cựu ngoại trưởng Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Bà Hillary và đội ngũ cố vấn của mình sẽ dày công lựa chọn một thông điệp hiệu quả để đánh vào những điểm yếu của tỷ phú Trump, xoáy sâu vào những vấn đề mà ông Trump không có thế mạnh như không có kinh nghiệm chính trường, bê bối trong đời sống cá nhân và cả tính cách ngông cuồng của ông Trump. Tuy nhiên, hiện nay ông Trump đã nhanh chóng tìm ra điểm yếu và đang liên tục công kích bà Hillary trong hàng loạt vấn đề về sử dụng email cá nhân thời còn làm Ngoại trưởng Mỹ, giới tính, sức khỏe và cả vấn đề riêng tư trong đời sống gia đình. Kịch bản có thể xảy ra là thay vì đưa ra những thông điệp tranh cử đều đặn, các cố vấn của bà Hillary lại phải bù đầu để quyết định xem nên đối phó hay phớt lờ tuyên bố công kích nào của ông Trump. Đó không phải là điều kiện hoạt động tốt nhất cho bộ máy vận động tranh cử khổng lồ của bà Clinton, vốn không hề tinh gọn như cấu trúc của ông Trump. Lợi thế của ông Trump là do không có kinh nghiệm về chính trị nên có thể thoải mái tung ra những đòn công kích khắp nơi để chờ xem ai gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, còn bà Hillary với tư cách là cựu ngoại trưởng Mỹ, buộc phải hành động thận trọng hơn.

Tuy nắm giữ lợi thế trên truyền thông nhưng ông Trump vẫn chưa chiếm trọn lòng tin của đa số cử tri Mỹ. Theo thăm dò mới nhất của CNN và Fox News, tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Hillary Clinton cao hơn ông Donald Trump từ 3% - 8%. Bất kể người thắng cuộc là ai, thì đó cũng sẽ là người New York đầu tiên đắc cử tổng thống Mỹ trong 71 năm qua, tính đến thời điểm tổng thống mới của nước Mỹ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2017


THANH HẰNG (tổng hợp)

Truyền thông Mỹ với tranh cử tổng thống ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục