Dù chủ trương tự chủ tài chính đã có, nhưng đến nay mới chỉ có 4 trường nghề trong cả nước tiên phong thực hiện và chỉ dừng ở bước thí điểm. Cần thay đổi cơ chế, chính sách và cởi trói thực sự để trường nghề tự vận động, tự chủ đúng nghĩa.
Cơ hội được nhiều hơn
Đó là nhận định của Hội đồng Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Lilama 2 kể từ khi được trao quyền tự chủ về tài chính. Nhờ bước chuyển mình này, trường không ngừng lột xác, tạo ra môi trường học nghề hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Hiệu quả được minh chứng qua số liệu tuyển sinh của trường mỗi năm tăng cao hơn. Không chỉ có cơ ngơi khang trang, chương trình đào tạo theo chuẩn, trang thiết bị đào tạo được hiện đại hóa theo công nghệ của Đức, trường còn được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đặt hàng đào tạo theo yêu cầu. Được học nghề với sự hướng dẫn tận tình của chuyên gia Đức và tự tin ra trường sẽ có việc làm ngay với thu nhập cao, các kỹ thuật viên tương lai đều hài lòng với chọn lựa nghề nghiệp của mình.
Chuyên gia Đức hướng dẫn sinh viên Trường CĐ Nghề Lilama 2 thực hành
trên thiết bị dạy nghề hiện đại
Là một trong những trường nghề trọng điểm, thực hiện sứ mệnh đào tạo nghề chất lượng cao, ngoài việc được Bộ LĐTB-XH tiếp sức đầu tư đổi mới trang thiết bị, Trường CĐ nghề Lilama 2 còn được Chính phủ Đức tài trợ, trang bị hàng chục máy công nghệ cao - tự động hóa với công nghệ hiện đại nhất, trị giá 13,5 triệu EUR. Bên cạnh đó, nhà trường còn được hỗ trợ 7,5 triệu EUR để phát triển chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên. Đây chính là cơ hội để nhà trường tự đổi mới đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đào tạo nghề chất lượng cao, nghề trọng điểm và quan trọng là có thêm nội lực để thí điểm tự chủ tài chính.
Nhận định về thành công bước đầu này, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường cho biết: “Tự chủ về tài chính đã mang lại cơ hội, cái được nhiều hơn cho nhà trường. Nó tạo ra bước đột phá mới trong đào tạo nghề và giúp trường hoàn thiện các vấn đề cốt lõi. Thứ nhất là xây dựng chương trình, giáo trình chuẩn, chủ động tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động thời hội nhập. Thứ hai là tinh gọn bộ máy tổ chức điều hành và nhân sự, được tuyển người tài, giảng viên giỏi, tăng lương, trả lương theo năng lực chuyên môn mà không phải xin ý kiến, chờ xét duyệt”.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, vấn đề tài chính tuy được tự chủ hơn nhưng vẫn còn nhiều cái khó do cơ chế chưa mở hẳn và trên thực tế nhà trường chưa tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo trên đầu một học viên.
Trao quyền và mở rộng cơ chế
Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện có 4 trường nghề trong cả nước thí điểm về cơ chế tự chủ là Trường CĐ Kỹ nghệ 2 TPHCM, CĐ nghề Lilama 2, CĐ nghề Quy Nhơn, CĐ nghề công nghệ Hà Tĩnh. Việc tự chủ về tài chính này theo lộ trình và trước mắt Nhà nước vẫn phải đầu tư, chứ các trường chưa thể tự chủ toàn diện. Các trường tự chủ về chi thường xuyên, lương cán bộ nhân viên, nguyên vật liệu và giảng dạy hàng ngày. Còn chi đầu tư về máy móc, nhà xưởng thì Nhà nước vẫn sẽ triển khai theo những chương trình nhất định. Từ sự đầu tư này, các trường nghề phải tự đứng lên, đổi mới hoạt động để tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường, yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để các trường khẳng định uy tín, thương hiệu, thu hút tuyển sinh và từ đó có thể thu học phí để trang trải, tiến tới tự chủ thực thụ.
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2015 đã quy định về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các cơ sở được tự chủ từ nội dung giảng dạy đến tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản... Thế nhưng, vì nhiều lý do, các trường nghề vẫn e dè, ngán ngại đối với việc lựa chọn mô hình tự chủ tài chính. Vì quen được chăm bẵm, được rót ngân sách thường xuyên dù hoạt động kém hiệu quả nên các trường nghề vẫn bình chân như vại, không muốn tự thân vận động. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, “nếu các trường nghề không tự đổi mới nội dung chương trình giảng dạy, tăng kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành nghề bằng sự gắn kết với doanh nghiệp và xây dựng cơ chế tự chủ hợp lý thì sẽ bị đào thải, không thể cạnh tranh”.
Bức xúc trước thực tế cào bằng trong phân bổ ngân sách, lãng phí trong đầu tư, trong đó nhiều trường xây cơ sở, mua thiết bị hoành tráng nhưng tuyển sinh không được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo phải kiên quyết dẹp bỏ tình trạng này vì không thể bao cấp mãi.
Như vậy, cần nhân rộng mô hình xã hội hóa dạy nghề, tự chủ tài chính, trao quyền thực sự cho các trường nghề tự đổi mới, tiến tới tự chủ 100%.
Theo kiến nghị của Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lilama 2 Nguyễn Khánh Cường, cơ chế tự chủ tài chính đã mở nhưng chưa rộng và các trường đang chờ hướng dẫn cụ thể về cơ chế đặt hàng đào tạo. Nếu được thu học phí ở mức cao đủ bù chi phí đào tạo hoặc cao hơn mức 36 triệu đồng/học viên thì các trường tự chủ tài chính chắc chắn sẽ sống tốt và phát triển bền vững.
| |
KHÁNH HÀ