| |
Những năm sau giải phóng, Sài Gòn - TPHCM phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi đất nước vừa đi ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt. Để giải quyết cái ăn, cái mặc và nhu cầu đời sống bức thiết của gần 3 triệu dân TP lúc bấy giờ, cùng với lớp lớp thanh niên khoác ba lô “lên rừng, xuống biển” đi khai hoang, mở đất, đào kênh thủy lợi, xây dựng những làng quê mới, còn có hàng vạn công nhân trong các xưởng máy, hàng ngàn sinh viên thắp lên ngọn lửa nhiệt tình của tuổi trẻ bằng những việc làm “dù nhỏ nhất nhưng có ích cho đời”.
Chiếc nôi “Bàn tay vàng” Bé Bảy
Những năm 1978 - 1980, ngành công nghiệp chủ đạo của TPHCM trông chờ chủ yếu vào ngành dệt với những hãng dệt nổi tiếng trước giải phóng như Vinatex, Việt Thắng, Phong Phú… Chỉ vài năm sau giải phóng, nhà máy nào cũng lâm vào cảnh máy móc hỏng hóc, vật tư, thiết bị thiếu thốn. Trong khi nhu cầu về vải, sợi cho TP và cả nước ngày một lớn. Đứng trước khó khăn, đội ngũ thợ trẻ ở Nhà máy Dệt Việt Thắng - từ các chi đoàn, liên chi đoàn tại các ca, xưởng - đã đảm nhận từng phần việc đi vào khôi phục, sửa chữa máy móc, tận dụng nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và hướng dẫn, giúp đỡ tay nghề cho người thợ từng công đoạn, chi tiết trên các cỗ máy. Phong trào thi đua sản xuất được phát động tại Dệt 1, sau lan sang Dệt 2, Nhuộm và 3 tháng sau là toàn nhà máy. Năm 1982, Đoàn TNCS Nhà máy đứng ra tổ chức thi thợ giỏi từ tổ, ca đến phân xưởng thu hút hàng trăm thợ trẻ ngày đêm miệt mài trên từng cỗ máy để cho ra những mét vải đẹp nhất. Tại cuộc thi thợ giỏi toàn nhà máy năm ấy, những cái tên Trần Thị Bé Bảy, Đặng Sao Hà, Trần Lan Yến Châu lần đầu tiên được nhắc đến với danh hiệu “kiện tướng”. Học tập Việt Thắng, các nhà máy dệt khác như Thành Công, Thắng Lợi, Phong Phú, Phước Long…, bắt đầu nhen nhóm lên những phong trào thi đua “Về trước kế hoạch trong sản xuất”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Khu máy thanh niên”… Qua phong trào đã xuất hiện những “kiện tướng dệt”, “kiện tướng sợi”, “kiện tướng nhuộm”… Tại cuộc thi thợ giỏi ngành dệt TP đầu tiên vào năm 1982, trong hàng chục kiện tướng chọn ra từ các nhà máy, cô thợ trẻ 21 tuổi Trần Thị Bé Bảy của Nhà máy Dệt Việt Thắng xuất sắc nhận danh hiệu “Bàn tay vàng”.
Gặp lại “Bàn tay vàng” Bé Bảy sau hơn 30 năm bước lên đỉnh cao của người thợ, vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ, yêu nghề như ngày nào và vẫn gắn bó với Dệt Việt Thắng như lúc vào nghề, nhưng với vai trò của một cửa hàng trưởng cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Chị kể: “Ngày đó vào ca ai cũng thấy nhanh hết giờ. Hết ca lại không chịu về, cố ở lại làm thêm, rồi nhận tăng ca. Có ngày đi ca 2 từ 2 giờ chiều làm đến 10 giờ đêm, rồi ở lại ca 3 làm đến sáng mới về. Hôm sau lại lên ca như vậy mà không biết mệt. Cứ thấy những mét vải mình làm ra đạt chất lượng cao là quên giờ, quên ca. Lúc đầu đứng 4 - 5 máy, sau nhận đến 10 - 12 máy với năng suất có ca đạt đến hơn 1.000m vải…”.
Từ “Bàn tay vàng” Bé Bảy của Dệt Việt Thắng, nhiều năm sau đó đã phát triển, nhân lên thành phong trào thi đua lao động sáng tạo trong ngành công nghiệp TP với hàng trăm thợ giỏi “Bàn tay vàng” xuất hiện trong ngành may, ngành giày da, ngành điện… Những cái tên Nguyễn Thị Châu, Quế Hương, Ngọc Giàu, Thu Thanh… trưởng thành từ những phong trào thi đua của hàng chục năm trước, khi gặp lại, ai nấy vẫn còn giữ nguyên ngọn lửa nhiệt huyết, lòng yêu nghề và những khát khao, hạnh phúc vươn lên với nghề…
Gieo con chữ trên vùng đất thép
Một trưa hè năm 1994, trong một chuyến công tác xã hội về Củ Chi giữa cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi tình cờ ghé vào một lớp học như bỏ hoang của phân hiệu Trường Tiểu học xã Phạm Văn Cội. Lớp học không vách, một nửa mái lớp là những tấm tôn rách vá víu gác lên cây đà mục không đủ che ánh nắng gắt giữa trưa hè. Bất chợt nghe tiếng đánh vần ê a vọng lại của một nhóm trẻ quây quần bên cô giáo dưới gốc me cạnh dòng kênh Đông xanh ngát. Đợi đến khi cô và trò dừng nghỉ, chúng tôi lại gần dò hỏi và bất ngờ khi nghe 3 cô giáo giới thiệu là sinh viên Trường Đại học Sư phạm TP tình nguyện về đây trong 3 tháng hè dạy chữ, hướng dẫn sinh hoạt hè cho các em nhỏ vùng đất thép. Những cái tên Diệu Hương, Minh Nguyệt, Bích Hà - cô giáo của đàn em nhỏ xã nghèo Phạm Văn Cội năm ấy, những chiến sĩ “Ánh sáng văn hóa hè” đầu tiên của TP đã gây ấn tượng cho chúng tôi đến tận bây giờ…
Buổi chiều một ngày cuối tháng 5-2013, anh Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM kể chúng tôi nghe về những tháng ngày đáng nhớ ấy. “Năm 1990, anh Nguyễn Phú Bình (Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, mất ngày 5-3-2013) được giao nhiệm vụ Bí thư và tôi làm Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Chúng tôi quyết tâm khôi phục lại chương trình thực hành chính trị - xã hội để đoàn viên, sinh viên tham gia trong dịp hè với tên gọi “Công tác hè”. Chọn địa bàn huyện Củ Chi làm thí điểm với những việc như xóa mù chữ, sinh hoạt thiếu nhi, ôn tập hè, giúp đỡ các gia đình chính sách. Năm ấy, 35 đoàn viên, sinh viên tham gia được đưa về xã Tân Thông Hội, Tân An Hội và thị trấn Củ Chi. Lần đầu tiên về ngoại thành làm công tác hè, các bạn bỡ ngỡ lắm. Nơi ở là trường học, trụ sở UBND xã nên gặp khó khăn trong việc vận động bà con đưa con em ra lớp. Có nơi, các bạn bị thanh niên địa phương chọc ghẹo, cản trở công việc nên đến từng điểm sinh hoạt phải đi từng nhóm. Ngược lại, những ngày đầu, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương và Huyện đoàn Củ Chi. Qua mùa hè đầu tiên, các bạn tham gia “Công tác hè” trưởng thành trong giao tiếp, trong sinh hoạt, nghiệp vụ sư phạm và bản lĩnh được nâng lên rõ rệt” - anh Huỳnh Công Ba nhớ lại.
Phát huy hiệu quả từ mô hình trên, mùa hè những năm sau, đoàn viên, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM có mặt khắp 21 xã, thị trấn của huyện Củ Chi và về 4 xã Long Trường, Long Phước, Phú Hữu và Thạnh Mỹ Lợi thuộc vùng bưng 6 xã huyện Thủ Đức. Những năm tiếp theo là đến với các ấp Lò Gò, Xóm Giữa của xã biên giới Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Số bạn tham gia cũng đã lên đến vài trăm, có năm lên đến cả ngàn. Việc đưa đoàn viên, sinh viên tham gia chương trình có chọn lọc hơn, ai không đủ tiêu chuẩn sẽ không được đi. Công việc của họ không dừng ở xóa mù chữ, phổ cập tiểu học mà còn kiêm luôn tổ chức sinh hoạt thiếu nhi, ôn tập hè, sưu tầm địa chỉ đỏ, chăm sóc các gia đình thương binh, chính sách, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng… Và rồi đến năm 1994, với sự đề xuất của anh Nguyễn Phú Bình (lúc này đã về công tác tại Thành đoàn TNCS TPHCM), hoạt động “Công tác hè” của Trường Đại học Sư phạm TPHCM được đổi tên thành “Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè”, với sự tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn TP.
HOÀI NAM - ÁI CHÂN
| |