Từ một chuyến tàu

Tập truyện Từ một chuyến tàu của nhà văn Trần Văn Tuấn chỉ 12 chương ngắn gọn với chưa đầy 170 trang đã gây được những xúc động mỹ cảm. Và phần lớn những thành công ấy đã dồn cho sự thể hiện lòng nhân hậu Việt Nam, thể hiện tình người cách mạng.

Tập truyện Từ một chuyến tàu của nhà văn Trần Văn Tuấn chỉ 12 chương ngắn gọn với chưa đầy 170 trang đã gây được những xúc động mỹ cảm. Và phần lớn những thành công ấy đã dồn cho sự thể hiện lòng nhân hậu Việt Nam, thể hiện tình người cách mạng.

Có thể tìm thấy nhiều đoạn, nhiều trang gây ấn tượng sâu đối với người đọc. Đó chẳng hạn như đoạn mô tả sự xung đột trong gia đình Song, mô tả thái độ và cách cư xử của láng giềng cùng lối phố với gia đình Song ở Hà Nội trong việc anh nhận đứa con người khác làm con mình vào chính cái lúc anh về nhà để... cưới vợ.

Đoạn tranh luận giữa Song và Dương về xã hội Sài Gòn, về tình người, về cách xử sự, xử lý đối với những tàn dư của chế độ cũ. Hoặc là những trang, những đoạn thể hiện diễn biến nội tâm của Điệp để cuối cùng đi đến “tự thú” tình yêu của mình đối với Song ở giữa chương kết thúc toàn tập truyện, sức hấp dẫn được xây dựng trên cơ sở của nhiều yếu tố, tạo tình huống, phân tích tâm lý, gây xung đột, khắc họa tính cách...

Tất cả những gì mà tôi vừa đề cập đến trên đây mới chỉ thuộc mạch chuyện có liên quan đến tuyến nhân vật là bộ đội, hoặc đã từng là bộ đội, cùng những bạn bè, thân thích của họ. Nhưng, thực ra, trong Từ một chuyến tàu không phải chỉ có một mạch chuyện ấy. Ở đây tác giả đã cho xuất hiện đồng thời ba mạch chuyện, thể hiện ba tầng hiện thực, đan chéo vào nhau (xin tạm gọi đó là thủ pháp đồng hiện). Ngoài mạch chuyện thuộc thời quá khứ về những người bộ đội, còn một mạch chuyện khác, cũng thuộc thời quá khứ, về anh chàng họa sĩ Sài Gòn cũ qua lời kể của anh diễn viên sân khấu. Và mạch chuyện thứ ba là những gì đang diễn ra giữa 6 người khách ngồi thành hai hàng đối diện nhau ở một khoang trong toa số 4 của chiếc tàu từ TPHCM ra Bắc.

Thủ pháp đồng hiện ứng dụng vào văn học không dễ đem lại thành công lớn, cho nên dù còn nhiều băn khoăn, tôi vẫn thấy cố gắng của tác giả Từ một chuyến tàu là đáng quý. Và tôi tin là thủ pháp ấy vẫn đem lại ít nhiều kết quả đối với bạn đọc rộng rãi. Ít nhất thì cũng tập quen cho người đọc về một lối trình bày hiện thực, một cách bố cục tác phẩm mà trước nay chưa trở thành quen biết. Tôi càng thấy quý hơn sự thể nghiệm của Trần Văn Tuấn lúc nghĩ rằng nếu Từ một chuyến tàu được chuyển thành tác phẩm sân khấu và nhất là tác phẩm điện ảnh, những gì thuộc thủ pháp đồng hiện mà Trần Văn Tuấn đã áp dụng lúc viết ra tập truyện vừa này chắc chắn sẽ là gợi ý rất quan trọng cho người chuyển thể, người viết kịch bản phân cảnh, người đạo diễn...

Ở hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, nhờ sự hỗ trợ của diễn xuất diễn viên, của hội họa và âm nhạc, của phông màn và cảnh trí, của ánh sáng và âm thanh, đặc biệt là của các phương tiện máy móc hiện đại... chắc chắn thủ pháp đồng hiện sẽ có rộng đất để phát huy tác dụng hơn. 

TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN

Tin cùng chuyên mục