Từ nghị quyết đến hành động

Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TPHCM (ngày 16-6-2022), lãnh đạo TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã ký kết quy chế, kế hoạch triển khai dự án. 

Tính đến thời điểm này, các bước gặp gỡ, đối thoại và tiếp nhận sự đồng thuận của người dân trong vấn đề giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường trên các địa bàn có dự án ngang qua đã được xúc tiến. Đây là một trong những khâu trọng yếu, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân; cũng là khâu thường phát sinh những sự cố phức tạp nên các địa phương ưu tiên tập trung giải quyết.  

Riêng TPHCM, với quan điểm “làm sao sau giải phóng mặt bằng đời sống của người dân phải bằng hoặc tốt hơn”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng xác định công tác này của dự án Vành đai 3 sẽ là “kiểu mẫu” để tiến hành các dự án khác trong tương lai.
Những bài học rút ra từ “kiểu mẫu” Vành đai 3 sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc, thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối - một trong những nội dung trọng tâm và cũng là yêu cầu thúc bách từ thực tiễn phát triển của vùng Đông Nam bộ trong Chiến lược Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ vào ngày 23-10.
Những năm qua, hạ tầng giao thông là nút thắt của bức tranh kinh tế - xã hội Đông Nam bộ; nên nó cũng chính là nút mở chủ lực cho sự phát triển, cất cánh của vùng. Vì vậy, cần triển khai các nút giao thông trọng yếu kết nối với hệ thống giao thông vùng. Để phát huy các dự án Vành đai 2, 4 trong tương lai và đón đầu sân bay quốc tế Long Thành hoàn tất giai đoạn 1, TPHCM xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2, cùng với Đồng Nai tạo các cầu nối quận 7, TP Thủ Đức (TPHCM) với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) nhằm mở rộng không gian phát triển phía Đông. Cũng như kiến nghị Bộ GTVT sớm mở rộng đường cao tốc đoạn nối đường dẫn TPHCM đến sân bay Long Thành. Đây là con đường huyết mạch để giải quyết bài toán giao thông cho cửa ngõ hàng không quốc tế vùng Đông Nam bộ.
Quy hoạch phát triển hướng biển, với xu thế kinh tế biển thì dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, là một điểm nhấn của tinh thần Nghị quyết 24. Việc xây dựng cảng này sẽ thể hiện rõ ưu thế của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở vùng cửa biển này. Đây là dự án mang tính bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải chứ không mang tính cạnh tranh, làm suy yếu hệ thống cảng biển hiện có. Nếu triển khai thành công dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ mang lại không chỉ có ý nghĩa về lợi ích của cảng biển mà còn nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng Đông Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung đối với khu vực, thế giới, tạo sự hấp dẫn hơn đối với dòng vốn FDI.
Cuối cùng, và cũng là có tính cốt lõi, chính là vai trò dẫn dắt đi cùng động lực đầu tàu tăng trưởng của TPHCM trong việc làm chủ nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo. Thành phố cần nâng cao chất lượng nền kinh tế, trong đó, tập trung các ngành kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo; các phân khúc tạo giá trị gia tăng cao, phát huy hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu và theo quy hoạch trong giai đoạn tới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động, nông nghiệp công nghệ cao; tạo nên sự khác biệt về cơ cấu kinh tế so với các địa phương khác trong vùng. TPHCM tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; trung tâm đổi mới sáng tạo... khai thác lợi thế của thành phố về nguồn nhân lực chất lượng cao và lực lượng khoa học - công nghệ. Cùng các địa phương nâng cao vị thế của vùng kinh tế Đông Nam bộ và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và quốc tế đối với lĩnh vực có thế mạnh trên tinh thần hỗ trợ chia sẻ cơ hội và lợi ích…

Tin cùng chuyên mục