Tất cả chúng ta đều có thể là nạn nhân của chứng trầm cảm. Không ai có thể tránh khỏi những khủng hoảng và tổn thương tinh thần như người thân qua đời, áp lực công việc kéo dài, bị lạm dụng, bạo hành, mất mát tình cảm, thất nghiệp, phá sản…
Nếu không cảnh giác trước “căn bệnh thiên niên kỷ” này, con người thời công nghệ 4.0 rất dễ trượt sâu vào nỗi chán chường, u uất, đánh mất mọi niềm vui sống. Trầm cảm không chỉ là vấn đề của xã hội hiện đại, đó còn là cuộc chiến của mỗi người trên toàn cầu.
Tâm lý học và thần kinh học đã nghiên cứu những trải nghiệm đau khổ gây nên thay đổi trong não bộ con người và gọi tên nó là chứng “trầm cảm”, đồng thời đưa ra giải pháp y học để chữa trị. Tuy nhiên, chứng bệnh trầm cảm vẫn hoành hành bất chấp tiến bộ khoa học và y tế, liệu con người có cần một giải pháp khác?
Trong những giai đoạn đen tối nhất, khi không một liều thuốc, một lời động viên hay giải pháp duy lý nào có thể mang đến ánh sáng, còn điều gì có thể dìu dắt ta vượt qua khổ đau tận cùng?
Đầu tiên, Marianne Williamson đưa ra luận điểm trọng tâm: Mọi đau khổ bắt nguồn từ một tâm trí bám vào những ảo ảnh của thế giới. “Mọi thứ khiến chúng ta đau khổ, từ những vụ lạm dụng ghê tởm nhất đến việc mất đi người thân yêu, đều diễn ra trong một cõi ảo tưởng”, bà diễn giải.
Theo tác giả, hành trình chữa lành chỉ bắt đầu khi chúng ta nhìn nỗi đau của mình, con người mình và thế giới dưới một “kiểu tư duy khai sáng”.
“Tâm trí của tôi là nguồn gốc nỗi buồn của tôi. Và tâm trí của tôi cũng là nguồn hạnh phúc của tôi. Chỉ tôi là người quyết định chọn sử dụng tâm trí mình ra sao, và lựa chọn đó sẽ quyết định liệu tôi đang trên đường đến với nỗi đau hay đến với sự yên bình”, bà cho hay.
Khi điều chỉnh lại suy nghĩ ở phần nguyên nhân thì phần kết quả sau đó sẽ tự động thay đổi. Qua từng chương sách, Marianne Williamson đưa ra những hiểu biết tôn giáo khác nhau để chuyển hóa trải nghiệm đau khổ của con người.
Trên hết, Marianne Williamson nhấn mạnh, không phải thuốc men hay liệu pháp y tế nào, tình yêu thương, sự tha thứ và đức tin mới là liều thuốc ưu việt để chữa lành những nỗi đau. Tác giả nêu ví dụ về những cựu binh Mỹ gặp khủng hoảng tinh thần sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam.
“Không một loại thuốc bên ngoài nào có thể đơn độc giải quyết các vấn đề thuộc ký ức mà những người lính hồi hương gặp phải”, Marianne Williamson nói, “những người này cần đến phương thuốc tinh thần. Họ cần tình yêu của đồng loại, cần lòng tốt của con người, cần đến những lời cầu nguyện, liệu pháp, thiền định”.
Sau cùng, trên hành trình chữa lành, sẽ luôn có ánh sáng lọt qua “kẽ nứt tí xíu” trong tâm trí khi ta không ngừng hy vọng. “Với mỗi lời cầu nguyện, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi hành động tha thứ, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi năm phút thiền, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi suy nghĩ về sự nhân từ, chúng ta cắm điện sáng. Với mỗi khoảnh khắc của niềm tin, chúng ta cắm điện sáng”, Marianne Williamson động viên.
Giống như một bông hoa nhỏ mọc lên từ vết nứt của nền xi măng, sự bình an cuối cùng cũng xuất hiện sau những khoảng thời gian đau buồn đã tàn phá trái tim.