Từ việc người dân cả nước tự giác đội nón bảo hiểm khi đi xe máy: Nét văn hóa mới đã hình thành

Từ việc người dân cả nước tự giác đội nón bảo hiểm khi đi xe máy: Nét văn hóa mới đã hình thành

Hai ngày cuối tuần rồi quả là rất đáng ghi nhớ trong lịch sử ngành giao thông Việt Nam: trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, hầu hết người đi xe máy đều đội nón bảo hiểm (NBH) khi lưu thông. Tại các thành phố lớn, tỷ lệ người đội NBH lên đến 98%-99%, có nơi đạt 100%.

Chẳng ai ngờ, người dân lại chấp hành tốt quy định này đến vậy. Trước thời điểm 15-12, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã vô cùng lo lắng. Ông cho biết: “Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ tác dụng, tầm quan trọng và tính nghiêm túc Nghị quyết 32 của Chính phủ. Trong đó cá biệt một số nơi vẫn chưa đồng thuận, chưa chấp hành”. Qua ngày đầu tiên toàn dân đội NBH, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thở phào nhẹ nhõm: “Một nét văn hóa mới đã hình thành!”.

Từ việc người dân cả nước tự giác đội nón bảo hiểm khi đi xe máy: Nét văn hóa mới đã hình thành ảnh 1

Duyên dáng với nón bảo hiểm thời trang. Ảnh: THÁI BẰNG

Tất nhiên, đó mới chỉ là mong muốn của người đứng đầu ngành giao thông, còn trên thực tế, để mục tiêu này thành hiện thực, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trước mắt, cùng với việc tiếp tục mở các đợt tuyên truyền, vận động lớn; các vấn đề bức xúc liên quan đến chất lượng NBH, nơi trông giữ NBH cho người dân… cần sớm được giải quyết.

Người dân nào có thể yên tâm đội NBH khi có đến 70% NBH trên thị trường không đạt chất lượng? Thậm chí, đến sát “giờ G”, trong khi người dân đổ xô đi mua NBH, thì các cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ công bố các nhà sản xuất, nhập khẩu đạt tiêu chuẩn, còn danh sách những nhà sản xuất không đảm bảo chất lượng lại chưa được công khai.

Việc gửi NHB cũng đặt ra nhiều bất cập. Ở nhiều bãi gửi xe, giá gửi NBH (dù chỉ là móc luôn vào xe) ngang bằng, thậm chí cao hơn giá gửi xe máy. Ở các cơ quan, tổ chức, nơi công cộng, chỗ để NBH như thế nào vẫn là vấn đề nan giải. Dù đây là những vấn đề không lớn, nhưng nếu không giải quyết thì việc đội NHB khó có thể trở thành văn hóa.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra, là trên thực tế vẫn có những người đội NBH với một tâm thức đối phó. Không ít người mang NBH theo xe, khi thấy cảnh sát giao thông mới đội lên, hoặc đội loại NBH rẻ tiền, kém chất lượng để tránh bị xử phạt là chính, chứ không nhằm hạn chế chấn thương sọ não nếu không may bị TNGT... Biểu hiện “đối phó” do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về nhận thức và yếu tố tâm lý.

Vì vậy, việc kiểm tra, xử lý người vi phạm về đội NBH đòi hỏi phải nghiêm túc, liên tục với tinh thần “Cưỡng chế cũng là giáo dục, mang tính chất nhân đạo và văn hóa” - như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói trong hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 32...  

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục