Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Mù mờ học phí

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2011 các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập, phải thực hiện công khai học phí trước thời điểm tuyển sinh trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ (Những điều cần biết) hoặc trên website để thí sinh biết rõ thông tin. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012, các trường đã cố tình lờ luôn vấn đề công khai này nên thí sinh hoàn toàn mù tịt thông tin học phí.
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Mù mờ học phí

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2011 các trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập, phải thực hiện công khai học phí trước thời điểm tuyển sinh trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ (Những điều cần biết) hoặc trên website để thí sinh biết rõ thông tin. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012, các trường đã cố tình lờ luôn vấn đề công khai này nên thí sinh hoàn toàn mù tịt thông tin học phí.

  • Giấu thông tin học phí

Thông tư số 09/2009 (thực hiện “3 công khai”) của Bộ GD-ĐT về thực hiện quy chế công khai của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân quy định: các cơ sở giáo dục đại học phải công khai tài chính trước thời điểm tuyển sinh.

Trong đó, những thông tin quan trọng mà Bộ GD-ĐT chỉ rõ các trường phải công khai là: học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; mức học phí dự kiến cho cả khóa học; chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp... Quy định này cũng yêu cầu “các trường phải công khai học phí trong cuốn Những điều cần biết trong kỳ tuyển sinh năm 2011”.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về học phí, lệ phí để làm hồ sơ đăng ký dự thi. Ảnh: T. MINH

Thí sinh tìm hiểu thông tin về học phí, lệ phí để làm hồ sơ đăng ký dự thi. Ảnh: T. MINH

Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm 2012 việc thí sinh tìm thông tin về học phí của một trường trên website cũng như trong cuốn Những điều cần biết là rất khó khăn. Đáng quan tâm nhất là thông tin về học phí ở các trường ngoài công lập, bởi lẽ học phí ở nhóm trường này “nhảy múa” liên tục.

Vào mục thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trên Cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lẫn website của trường chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không ra thông tin về học phí của trường này. Ngay cả trong cuốn Những điều cần biết do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới phát hành ngày 19-3, thông tin về trường này chỉ vỏn vẹn gồm tên ngành, mã ngành, khối thi và chỉ tiêu. Hàng loạt trường khác như ĐH Tây Đô, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Quốc tế Miền Đông… cũng không thực hiện việc công khai học phí.

Đáng nói nhất là những trường ngoài công lập, có mức học phí cao ngất ngưỡng như ĐH Tân Tạo, ĐH Hoa Sen, ĐH FPT… cũng giấu nhẹm thông tin học phí.

Tương tự, khối các trường công lập được thí điểm thực hiện tự chủ tài chính như ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Mở… có mức học phí cao hơn nhiều lần so với học phí các trường công lập nhưng thí sinh hoàn toàn không được biết thông tin này.

  • Những hệ lụy

Theo Bộ GD-ĐT, các trường phải thực hiện công khai học phí nhằm giúp người dân, thí sinh biết để lựa chọn trường thi, học. Nếu không công khai trong cuốn Những điều cần biết, các trường phải có trách nhiệm công khai trên website của trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên website của các trường, mục công khai học phí để người học tham khảo vẫn không có.

Học phí luôn là vấn đề “hóc búa” đối với nhiều sinh viên. Trong ảnh: SV ĐH Y Dược TPHCM tra cứu tài liệu học tập. Ảnh: MAI HẢI

Học phí luôn là vấn đề “hóc búa” đối với nhiều sinh viên. Trong ảnh: SV ĐH Y Dược TPHCM tra cứu tài liệu học tập. Ảnh: MAI HẢI

Đại diện một trường ĐH tại TPHCM cho biết: “Vấn đề học phí đúng là chuyện tế nhị nhưng không vì thế mà các trường bỏ qua công đoạn này trong mùa tuyển sinh. Nếu các trường công khai học phí, các khoản thu thí sinh sẽ yên tâm hơn để quyết định chọn thi hay đăng ký xét tuyển vào trường mình yêu thích”.

Thực tế cho thấy, việc minh bạch học phí và lệ phí không chỉ vì quyền lợi của thí sinh, giúp thí sinh tính toán chọn trường phụ hợp với điều kiện kinh tế gia đình mà còn giữ được hình ảnh, uy tín của các trường. Nếu cơ sở đào tạo nào thực hiện tốt công tác này người học sẽ yên tâm và thực hiện tốt sự thỏa thuận giữa quyền lợi và nghĩa vụ với nhà trường. Ngược lại, nếu trường nào thiếu minh bạch về vấn đề “đầu tiên” thì thường đối mặt với nhiều rắc rối sau này.

Minh chứng cho điều này là kết thúc mùa tuyển sinh 2011, nhiều thí sinh khi làm thủ tục nhập học tại một số trường công lập tự chủ tài chính đã nghẹn ngào xếp lại giấc mơ đại học chỉ vì học phí đến mười mấy triệu đồng mỗi năm. Nhiều sinh viên đậu vào các trường đại học ngoài công lập với mức học phí “khủng” đã phải nghỉ học giữa chừng vì chưa đầy 2 năm nhà trường đã tăng học phí đến 2 lần (mỗi lần tăng thêm 2 triệu đồng).

Đáng báo động hơn, cũng vì quá sốc với những lý do tăng học phí của nhà trường mà sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã kịch liệt phản ứng với lãnh đạo nhà trường...

Trao đổi về vấn đề công khai học phí, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: “Đúng là trong cuốn Những điều cần biết và thông tin trên website nhiều trường còn bỏ sót và không thực hiện nghiêm việc công khai này. Do đó, với những trường chưa thực hiện việc công khai học phí, Bộ GD-ĐT sẽ có công văn nhắc nhở thực hiện nghiêm nhằm giúp thí sinh có đầy đủ thông tin khi chọn trường để thi”. 

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục