Tỷ lệ doanh nghiệp lớn do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 13,6%

Nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và điều hành thường gặp phải trong quá trình mở rộng quy mô đã được các chuyên gia phân tích tại Diễn đàn “Nữ Doanh nhân – Mở đường tăng trưởng” do Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) và Tổ chức hỗ trợ Endeavor phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 28-10.
Diễn đàn “Nữ Doanh nhân – Mở đường tăng trưởng” tại Hà Nội ngày 28-10
Diễn đàn “Nữ Doanh nhân – Mở đường tăng trưởng” tại Hà Nội ngày 28-10

Với sự hỗ trợ từ Đại Sứ quán Canada tại Việt Nam, diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu chia sẻ những bài học và kinh nghiệm thực tế trong việc mở rộng quy mô doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa và lớn thông qua các câu chuyện thành công từ các doanh nhân thành đạt.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng làm rõ những lợi ích tiềm năng về kinh tế và xã hội có thể đạt được nếu nâng cao bình đẳng giới trong khởi nghiệp, kinh doanh. 

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính tới cuối tháng 9-2019, tại Việt Nam có hơn 285.700 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành, chiếm khoảng 24% tổng số các doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Mặc dù chiếm tỷ lệ không lớn và hầu hết các doanh nghiệp này đều ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nhưng theo một nghiên cứu khác, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn các doanh nghiệp do nam làm chủ, như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn…

Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy, các phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh hầu như không có xu hướng mở rộng quy mô doanh nghiệp lên mức vừa và lớn như các doanh nghiệp do nam làm chủ. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ và lãnh đạo giảm dần khi quy mô doanh nghiệp tăng lên.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỷ lệ doanh nghiệp lớn do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 13,6%.

Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bà Từ Thu Hiền, CEO – WISE chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy những thách thức chính khiến phụ nữ thường e ngại trong việc đảm nhiệm vai trò cao hơn trong một doanh nghiệp hay mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình là các định kiến xã hội, khả năng cân bằng giữa công việc và sự nghiệp, thiếu kiến thức và kỹ năng quản tri kinh doanh, hạn chế trong tiếp cận tài chính và mở rộng mạng lưới”.

Mong muốn tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam nhấn mạnh, Canada luôn ưu tiên đầu tư, hợp tác, và các nỗ lực nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động có tiềm năng cao nhất để thu hẹp khoảng cách giới, và thúc đẩy các quyền kinh tế và lãnh đạo của phụ nữ.

Tin cùng chuyên mục