Việc điều tiết, phân luồng giao thông, hướng dẫn người lưu thông chấp hành tín hiệu đèn, dừng đúng vạch, nhắc nhở phương tiện không chạy sai làn, ngược chiều tại các giao lộ được coi là một trong những giải pháp chống ùn tắc, kẹt xe. Nhưng khi vắng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh niên xung phong (TNXP) thì tình trạng kẹt xe càng nặng nề.
Khi vắng bóng cảnh sát giao thông…
Một chiều tối cuối tháng 10, thoát khỏi dòng xe tứ hướng kẹt cứng ở khu vực giao lộ Tùng Thiện Vương - Cao Xuân Dục - đầu cầu Chà Và (phường 13, quận 8) trong bộ dạng hai mắt đỏ hoe, lưng áo ướt đẫm, ông Đỗ Cao Cường, nhà ở ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, ngao ngán: “Khổ! Không ngày nào tôi không chịu trận kẹt xe khi qua khu vực này. Nhà cách chỗ làm bên quận 5 chưa đầy 6km, nhưng lần nào cũng mất ít nhất 40 phút cho mỗi chặng đi, về. Chưa kể, những hôm trời mưa lớn thì thôi rồi, cả tiếng đồng hồ chưa về đến nhà”.
Theo ông Cường, nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe kéo dài và triền miên ở khu vực này là do có nhiều tuyến đường giao nhau, vào các giờ cao điểm, lượng phương tiện từ Bình Chánh, Nhà Bè vào trung tâm TP và ngược lại đông nhưng ít khi thấy CSGT có mặt điều tiết, phân luồng. Quan sát tại đây nhiều ngày, chúng tôi thấy không có CSGT điều tiết, hàng trăm phương tiện khi qua các giao lộ thi nhau lấn tuyến, leo lề, vượt đèn tín hiệu dẫn đến giao thông ùn ứ, dồn đống và hỗn loạn. Riêng đường Tùng Thiện Vương, đoạn từ nút giao đường Cao Xuân Dục đến cầu Chà Và, luôn trong tình trạng kẹt cứng. Hiếm lúc, chỉ có một CSGT đến điều tiết, nhưng do tất cả các giao lộ đều ùn ứ nên nạn kẹt xe vẫn không cải thiện.
Giờ cao điểm trên quốc lộ 1A đoạn qua quận 9. Ảnh: CAO THĂNG
Ở nhiều tuyến đường, giao lộ khác trên địa bàn TPHCM như Trường Chinh - Âu Cơ (quận Tân Bình), Hồng Bàng - Phạm Đình Hổ (quận 5), đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn trước Bệnh viện Từ Dũ, quận 3), Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong (quận 10), An Dương Vương - Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân)…, giao thông cũng thường xuyên trong tình trạng tương tự do CSGT, TNXP ít khi có mặt làm nhiệm vụ điều tiết. Tại một số giao lộ, khi giao thông bị tê liệt do phương tiện ùn ứ quá nhiều, tài xế xe ôm, dân sống trong khu vực phải đứng ra làm thay nhiệm vụ của CSGT - tổ chức phân luồng, hướng dẫn phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, do không có nghiệp vụ, không ít trường hợp vô tình làm giao thông rối hơn. Dư luận bức xúc: Vì sao CSGT không có mặt, hoặc hiếm khi xuất hiện điều tiết giao thông ở những nơi thường xuyên kẹt xe? Công tác bố trí, phân bổ lực lượng làm công tác điều tiết giao thông đang có vấn đề; hay CSGT, TNXP tự ý bỏ nhiệm vụ?
Đến nơi trễ, bỏ đi ăn, tự ý bỏ nhiệm vụ
Ông Trần Duy Nguyên, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích TNXP (Lực lượng TNXP TPHCM), cho biết mỗi ca có 1 - 2 trật tự viên hỗ trợ CSGT điều tiết (tùy tuyến đường, khu vực có mật độ phương tiện nhiều hay ít sẽ bố trí trật tự viên hợp lý), cũng có một số vị trí, trật tự viên TNXP làm nhiệm vụ độc lập. Tuy công tác điều tiết giao thông của TNXP do Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ Công an TPHCM (PC67) chủ động điều động, bố trí nhưng đơn vị vẫn giám sát chặt chẽ giờ giấc, lịch, nội dung làm việc của từng trật tự viên.
Theo ông Nguyên, tình trạng trật tự viên khi làm nhiệm vụ không thực hiện đúng nội dung phân công hoặc tự ý bỏ chốt, bỏ vị trí trong giờ làm việc là có. “Qua kiểm tra, từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý, khiển trách 18 trường hợp, sa thải 4 trường hợp vì các lỗi vi phạm trên. Một số trường hợp trực điều tiết vào đầu giờ sáng, cuối giờ chiều bỏ vị trí trực đi ăn; với các trường hợp này, bộ phận thanh tra đã phát hiện và nhắc nhở trật tự viên”, ông Nguyên nói.
Về phía CSGT, trung tá Đỗ Chí Hà, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận 8, cho biết việc điều tiết giao thông ở các trục đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường, giao lộ có mật độ, lưu lượng phương tiện đông) sẽ do các đội trực thuộc của PC67 điều tiết, còn lại sẽ do CSGT quận, huyện điều tiết. Khi có tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, công an phường cũng sẽ tăng cường thêm lực lượng bảo vệ dân phố cùng hỗ trợ phân luồng. Dù là lực lượng nào tham gia điều tiết, làm nhiệm vụ ở đâu, cán bộ - chiến sĩ vẫn phải thực hiện đúng nội dung công việc bố trí. Theo trung tá Hà, khu vực giao lộ Tùng Thiện Vương - Cao Xuân Dục - đầu cầu Chà Và thuộc sự điều tiết của CSGT quận 8. “Do khu vực này có nhiều giao lộ sát nhau, trong khi lực lượng CSGT mỏng nên có thể anh em điều tiết bên này bên kia bỏ trống, gây hiểu lầm. Cũng có một số trường hợp đến nơi điều tiết trễ so với giờ quy định, chúng tôi đã phát hiện và xử lý. Tuyệt đối không có tình trạng CSGT bỏ vị trí đi làm việc khác. Chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát, theo dõi chặt chẽ, nếu phát hiện CSGT vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Hà nói. Trung tá Hà cũng cho biết đơn vị sẽ tăng số lượng CSGT điều tiết giao thông ở khu vực giao lộ trên và không cho phương tiện đi vào tuyến đường Đinh Hòa (đoạn giao với Cao Xuân Dục đến Tùng Thiện Vương) để hạn chế kẹt xe.
TUẤN VŨ