Sáng hôm qua 8-2, người dân miền Tây rất bất ngờ khi sương mù dày đặc bao phủ cả đồng ruộng lẫn phố thị. Hiện tượng thời tiết bất thường này ít khi xảy ra nên làm nông dân lo lắng, sợ hoa màu thất thu.
Trong khi đó, trước và sau Tết Nguyên đán, những đám mưa như trút nước đã gây thiệt hại lớn cho lúa, hoa trái, khiến bà con nông dân càng thêm vất vả. Trước đó, mặn cũng xâm nhập sớm và sâu vào các cửa sông, báo hiệu nguy cơ hạn, mặn sắp tới sẽ khốc liệt.
Hiện tượng thời tiết bất thường không chỉ diễn ra ở miền Tây Nam bộ. Từ đầu năm 2017 đến nay, mưa trái mùa liên tục xuất hiện ở cả khu vực Đông Nam bộ lẫn Nam Trung bộ, gây thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống. Ngay như ở Đà Lạt, thành phố cao nguyên, Lễ Hội Mai Anh Đào phải hủy vì hoa không nở, mà nguyên nhân chính là do thời tiết bất thường (mưa nhiều, thiếu nắng), trong khi mùa đông ở miền Bắc ngày càng ấm hơn!
Theo các chuyên gia, rất khó trả lời chính xác nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết bất thường. “Biến đổi khí hậu có thể diễn ra theo 2 chiều hướng: Biến đổi từ từ, khó có thể phát hiện được và biến đổi dao động mạnh. Những hiện tượng bất thường trên có thể là do các biến đổi dao động mạnh. Các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu hơn nữa để có thêm những bằng chứng khoa học”, một chuyên gia đầu ngành cho biết.
Theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), chuỗi số liệu khí tượng thủy văn cho thấy trong quá khứ, miền Tây Nam bộ cũng có một số ngày mưa thất thường nhưng không lớn và trên diện rộng như vừa qua. Đây là hiện tượng La Nina - biểu hiện của biến đổi khí hậu. Vài ngày tới, tình trạng mưa trái mùa vẫn xảy ra, tuy nhiên không nặng nề như vừa qua. “Năm trước, Việt Nam, đặc biệt là miền Tây Nam bộ hứng chịu trận El Nino hoành hành. Theo chu kỳ, hết El Nino thì sẽ tới La Nina. Hiện tượng La Nina năm nay yếu nhưng cũng đủ tạo ra những bất thường về thời tiết như vừa qua”, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết.
Theo phân tích của thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, trận mưa hôm 2-2 ở một số nơi tại quận Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ) lượng mưa ghi nhận được lên đến 110mm, vượt xa lượng mưa bình quân từ 50 - 80mm, là một trong những trận mưa lớn lịch sử ở Cần Thơ trong hơn 40 năm qua. Hiện tượng thời tiết bất thường là do sự thay đổi luân phiên giữa hạn hán và ngập lụt. Sau khi mưa nhiều, rất có thể sẽ xảy ra hạn hán tương tự năm 2016. Chính vì thế, các địa phương cần phải tính toán ngay giải pháp để ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan có thể xảy ra tới đây.
Rõ ràng, những cơn mưa lớn trái mùa đã làm thời tiết miền Nam không theo quy luật “hai mùa mưa nắng” như trước nữa. Hiện tượng nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào các cửa sông, sương mù dày đặc vào mùa khô… không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống mà còn kéo theo nhiều vấn đề bất thường khác như nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ngay trong mùa khô, rồi bệnh tay chân miệng, các loại bệnh trên gia súc, gia cầm...
Tuy nhiên, dù các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của các hiện tượng thời tiết bất thường, nhiều công trình nghiên cứu quy mô cấp quốc gia với rất nhiều khuyến nghị đã được công bố, song, lại ít nhận được sự quan tâm của xã hội. Và khi nhận thức chưa thật sự được hình thành, ý thức về nguy cơ vẫn còn mờ nhạt, thì các chương trình hành động, kịch bản ứng phó với thiên tai sẽ không thể gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế. Để rồi, khi phải đối diện với những hậu quả nặng nề cả về sinh mạng và của cải vật chất, chúng ta lại mất thời gian truy tìm nguyên nhân, với một cụm từ thường gặp là “bất thường” nên “bị động”. Vì vậy, phải thay đổi nhận thức của người dân và ngành chức năng theo hướng sẵn sàng thích nghi với tình huống bất thường của thời tiết, để giảm tối đa thiệt hại.
HÀM LUÔNG