Ứng xử với luồng văn hóa du nhập

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ nên những lễ hội văn hóa từ nước ngoài ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến ở nước ta. Trước đây, giới trẻ Việt Nam chỉ biết ngày lễ hội hóa trang ma quái Halloween qua các phương tiện truyền thông, thì nay Halloween xuất hiện ở rất nhiều cửa hàng, góc phố, công ty, trung tâm dạy ngoại ngữ…

Văn hóa ngoại lai có điểm tốt đương nhiên cũng có điểm xấu, có tích cực và cũng không ít tiêu cực. Những người bị ảnh hưởng đầu tiên của dòng chảy văn hóa ngoại lai chắc hẳn là các bạn trẻ. Và không chỉ có Halloween hay những ngày lễ của nước ngoài, văn hóa ngoại lai còn tràn ngập trong nhà ngoài phố, từ đời thực đến mạng ảo. Và sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát của những luồng văn hóa ngoại lai diễn ra trên hầu hết các khía cạnh của đời sống văn hóa đã và đang dẫn đến nhiều nguy cơ đe dọa việc kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Mấy ngày qua, câu chuyện kể trên mạng của một ông bố trẻ đang được nhiều người quan tâm. Anh kể, cô con gái mới 10 tuổi của anh chỉ thích nghe và hát nhạc K-Pop mặc dù chả hiểu gì về nội dung, cô bé còn lắc mông, nheo mắt như mấy nhóm nhạc Hàn Quốc. Đáng nói hơn, thay vì chịu gọi tên là Su ở nhà như bấy lâu, cô bé nhất quyết đòi ba mẹ phải gọi cô là Tara, theo tên một nhóm nhạc Hàn Quốc. Cứ thế, thói sính tên ngoại, ăn mặc như sao ngoại hay cố tạo cách sống như sao ngoại xuất hiện không ít trong đời sống của gia đình Việt.

Đâu chỉ có vậy, đời sống văn hóa trong nước còn bị bội thực với những bài hát “nửa tây, nửa ta” tràn ngập các trang mạng và được người nghe nhạc yêu thích. Những bài hát thêm thắt tiếng Anh, tiếng Hàn “cho sang” xuất hiện ngày càng nhiều. Mà cứ bài hit, là phải có “I love you”, “Sarang Hae”, mới được giới trẻ yêu thích. Rồi giai điệu phải xập xình, đã tai; vũ đạo phải đã mắt với đủ kiểu bắt chước những nhóm nhạc đình đám cỡ EXO, Big Bang mới được giới trẻ để mắt tới. Cứ thế, những sáng tác dễ dãi vô tư xâm lấn các bảng xếp hạng âm nhạc, vốn chỉ nhận được sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ. Rồi khi ngồi trước màn hình tivi vào những “giờ vàng”, đếm qua cũng đã có tới không dưới 10 kênh phát sóng những bộ phim truyền hình nước ngoài, nhất là phim Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tương tự như vậy, các chương trình văn hóa, văn nghệ truyền thống không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh bị lép vế bởi những đêm diễn quá đỗi ồn ào, với những bài hát, vũ điệu “nửa tây, nửa ta” của những nghệ sĩ nổi danh Việt. Trong khi đó, âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam chỉ có dịp biểu diễn trong những đợt liên hoan, hội diễn âm nhạc hay những đợt giao lưu văn hóa quốc tế. Và nhan nhản các trang mạng chiều theo thị hiếu đám đông với những thông tin dạng “nhóm nhạc A đốn tim khán giả với vũ điệu con cua” hay “ca sĩ B trở lại hở táo bạo hơn xưa”, đã góp phần đẩy người trẻ xa rời với văn hóa truyền thống.

Phải khẳng định, khi đất nước mở cửa, cùng với sự phát triển kinh tế, cần sự giao lưu, hội nhập về văn hóa. Vấn đề đặt ra là phải ứng xử với những luồng văn hóa du nhập như thế nào để vừa tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa dân tộc đáng trân trọng. Làm sao để trong thời buổi hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta hòa nhập mà không hòa tan!

NGỌC LÊ

Tin cùng chuyên mục