Vì sao học sinh ít vào thư viện của trường học? Vì sao thói quen đọc sách, tự học không được nuôi dưỡng thường xuyên?... Cần phải gieo mầm văn hóa đọc. Và chúng ta làm gì để thư viện trường học lôi cuốn, hấp dẫn học sinh?
Gieo cảm hứng…
Diễn ra vào ngày đầu tuần, sau lễ chào cờ ngày 5-10, ngày hội “Lớn lên cùng sách” của Trường THPT Lương Thế Vinh (TPHCM) thật ấn tượng và lan tỏa cảm xúc trong lòng cả thầy lẫn trò. Vừa được giao lưu gặp gỡ với thần tượng - nhà văn trẻ Anh Khang, học sinh còn được truyền đam mê đọc, yêu quý sách. Bên cạnh đó, những cô cậu học trò cũng bị cuốn hút bởi những lời sẻ chia của nhà văn về học môn văn hiệu quả, chọn nghề, hướng nghiệp theo những ngành khoa học xã hội… Không khí ngày hội còn náo nhiệt và lan tỏa ý nghĩa sâu đậm từ chuỗi hoạt động hấp dẫn, phong phú khác như “Sách trao tận tay - Nhận ngay ý đẹp”, trưng bày, giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, thiết kế bìa sách… Sân trường rộn ràng tiếng nói, tiếng cười và nồng ấm tình thân, sự gắn kết thông qua việc giao lưu trao đổi về sách hay, truyện mới của các khối lớp.
Ở khu vực hành lang - nơi dành cho những học trò đam mê vẽ tranh theo sách, thiết kế bìa sách đẹp, cũng nhộn nhịp không kém. Bay bổng với đam mê và ước mơ của mình, các em tha hồ vẽ, thể hiện những gì mình yêu thích về chủ đề sách truyện. Một học sinh đang mải mê vẽ bức tranh “Con mèo dạy con chim hải âu bay” thích thú nói: “Con rất thích vẽ và vẽ bức tranh này để chuẩn bị cho tiết học tiếng Anh sắp tới”. Đúng như câu khẩu hiệu lôi cuốn học sinh của nhà trường “Sách mở ra trước mắt ta những chân trời mới”, ngày hội “Lớn lên cùng sách” đã dẫn dắt học sinh đến với hành trình thú vị, khám phá những trang sách kỳ diệu, kho báu tri thức.
Và đặc biệt nhất, hấp dẫn nhất phải kể đến điểm nhấn thu hút học sinh là thư viện mới, được đầu tư khang trang, rộng rãi và khác lạ. Nó thân thiện bởi không gian mở lẫn cách bài trí, giới thiệu sách rất “teen”. Không chỉ đón đọc những cuốn sách hay, tài liệu cần tham khảo dễ dàng, học sinh còn thích thú khi được ngồi trên những chiếc ghế lười, thả hồn trên những chiếc ghế dài, ôm chiếc gối ôm đủ màu sắc hoặc ngồi trên những tấm nệm êm ái. Em Nguyễn Phước Thịnh, học sinh lớp 6, ngồi bệt ở hành lang đọc cuốn truyện tranh mới tâm sự: “Ở nhà con chẳng bao giờ đọc sách, nhưng đến trường lại thích đọc vì các bạn đều đọc và ở đây có nhiều truyện hay…”. Nhiều học sinh khối lớp 11 và 12 cũng nói rằng trước đây các em ít khi vào thư viện vì nó nhỏ bé, ít đầu sách, còn bây giờ thì… rất thích thú vì hình ảnh mới lạ, thân thiện của thư viện mới.
Khơi gợi đam mê
Từ thực tiễn tham quan mô hình trường học tiên tiến ở Hàn Quốc trở về và nhìn thấy thư viện của họ luôn cuốn hút học sinh vào đọc sách, tự học rất đông, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, trăn trở phải làm gì để tạo được hiệu ứng như trường bạn? Từ suy nghĩ này, cộng với việc khảo sát nguyện vọng của học sinh, ban giám hiệu cùng thầy cô giáo, đại diện cha mẹ học sinh đã quyết tâm làm mới ngôi trường của mình bằng việc ra mắt thư viện mở, không gian mở. “Mục tiêu số một của nhà trường là kích thích niềm đam mê đọc sách của các em. Chỉ cần tập cho học trò thói quen đọc sách mọi lúc, mọi nơi, thậm chí chỉ cầm một cuốn sách đọc trong vòng vài chục phút đầu giờ học hoặc trong giờ ra chơi hàng ngày là thành công rồi…”, đó là chia sẻ của ban giám hiệu và nhiều thầy cô trong trường.
Để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh và gieo mầm văn hóa đọc ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế học đường, Trường THPT Lương Thế Vinh đã lên kế hoạch dài hơn, thành lập tổ chuyên môn đọc báo và giới thiệu sách hay hàng tuần, trong đó mỗi buổi sáng, tổ đọc báo có nhiệm vụ chọn lọc thông tin mới, hữu ích từ báo chí, rồi đánh máy gửi đến các lớp kèm tờ báo mới. Vào mỗi buổi sáng, ngoài đọc báo với giáo viên, học sinh còn trao đổi, thảo luận học nhóm với chủ đề, môn học quan tâm. Cùng với việc hình thành thói quen đọc sách, thói quen học nhóm, tự học cũng được thắp sáng.
Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng tập thể sư phạm Trường THPT Lương Thế Vinh cảm thấy vui, ấm áp vì đã góp phần gieo mầm văn hóa đọc cho học trò, hướng các em đến thói quen tốt. Để chào đón ngày học mới bằng văn hóa đọc, nhà trường đã vận động phụ huynh đưa con đi học sớm hơn 15 phút và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Hơn ai hết, các bậc cha mẹ cũng mong muốn tập cho con mình thói quen đọc sách, bồi bổ tâm hồn non trẻ bằng tri thức.
Trăn trở về việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường nói chung, cô Bùi Minh Tâm đề xuất: “Trong kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Bộ GD-ĐT nên quy định có ít nhất 1 giờ đọc sách trong tuần để học sinh có cơ hội, điều kiện đến với văn hóa đọc nhiều hơn”. Thêm vào đó, cần đầu tư cho thư viện trường học tiên tiến, khang trang để đồng hành với đổi mới giáo dục, tạo môi trường khuyến khích học sinh tự học nhiều hơn. Chúng ta không thể hô hào suông và bắt học sinh đọc sách, làm quen với văn hóa đọc mà không đầu tư cho môi trường này phát triển và hấp dẫn. Chúng ta không thể thay đổi thói quen lười đọc sách của học sinh nếu không hiểu các em mong muốn, thích thú điều gì?
KHÁNH BÌNH