Trước thềm cuộc đàm phán Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 4 dự kiến vào ngày 3 và 4-5, Mỹ đã thúc giục Trung Quốc cải cách tài chính giúp tạo sân chơi công bằng giữa 2 nền kinh tế, trong đó tiếp tục nhắc đến vấn đề đồng nhân dân tệ (NDT). Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng Mỹ lâu nay vẫn luôn quan ngại việc Trung Quốc định giá thấp đồng NDT và các cải cách về tỷ giá hối đoái gần đây của Bắc Kinh vẫn chưa đủ. Theo ông Geithner, đồng NDT cần phải được tăng giá cao hơn nữa so với đồng USD và điều đó sẽ giúp xóa bỏ “một nguyên nhân gây cạnh tranh bất bình đẳng với các đối tác thương mại của Trung Quốc”.
Theo mạng project-syndicate.org của Mỹ, trong 7 năm qua, Washington đã để cho vấn đề tỷ giá hối đoái của đồng NDT lấn át những vấn đề quan trọng hơn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Cuộc đối thoại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội để kiểm tra và xem xét lại những ưu tiên của Mỹ. Từ năm 2005, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần đề cập đến dự luật Schumer-Graham nhằm bảo vệ người lao động Mỹ trước nguy cơ giả định của đồng NDT được định giá thấp. Luận cứ cho dự luật này là thâm hụt thương mại trung bình của Mỹ đạt mức kỷ lục 4,4% GDP từ năm 2005, với Trung Quốc chiếm 35% tổng thâm hụt, có thể là do sự thao túng tiền tệ. Trung Quốc phải định giá lại đồng tiền hoặc sẽ bị trừng phạt.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, logic của dự luật này có thể sai. Thứ nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ là đa phương. Trong năm 2010, Mỹ bị thâm hụt thương mại với 88 quốc gia. Thứ hai, đồng NDT hiện đã tăng giá 31,4% so với đồng USD kể từ giữa năm 2005, cao hơn mức 27,5% được đưa ra trong dự luật ban đầu của Schumer-Graham. Thứ ba, có sự cải thiện đáng kể trong mất cân bằng ngoại thương của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc sẽ giảm còn 2,3% GDP vào năm 2012, sau khi đạt mức đỉnh 10,1% hồi năm 2007. Thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay của Mỹ dự kiến lên tới 510 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với mức thặng dư của Trung Quốc. Cuối cùng, Trung Quốc đã phát triển từ công xưởng thế giới thành dây chuyền lắp ráp. Nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 20%-30% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ phản ánh giá trị gia tăng ở trong Trung Quốc. Gần 60% lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nền tảng sản xuất toàn cầu hóa đang bóp méo các số liệu thương mại song phương Mỹ-Trung, chứ không phải tỷ giá hối đoái.
Tiêu dùng, thành tố lớn nhất của nền kinh tế Mỹ, đang đình trệ với mức tăng trung bình hàng năm chỉ đạt 0,5% trong 4 năm qua. Mỹ cần các nguồn lực tăng trưởng mới với ưu tiên là xuất khẩu. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Hơn nữa, nước này đang có một mô hình tăng trưởng mở, với kim ngạch nhập khẩu chiếm tới 28% GDP từ năm 2002, gần gấp 3 lần mức 10% của Nhật Bản trong kỷ nguyên tăng trưởng mạnh (1960-1989).
Với một nước Mỹ “đói tăng trưởng”, những cơ hội của đường vào thị trường quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ tiền tệ. Tiềm năng lớn của người tiêu dùng Trung Quốc dường như sắp bộc lộ, trong khi một trong những điểm mạnh nhất của Mỹ là nhiệt huyết cạnh tranh tại các thị trường mới. Mỹ dường như sẽ chớp lấy cơ hội đặc biệt này tại đối thoại kinh tế và chiến lược sắp tới.
Đỗ Văn