Vẫn ấm áp khói hương...

Vẫn ấm áp khói hương...

Bà cụ gom lá khô thành đống rồi nhóm lửa. Một góc nghĩa trang sáng bập bùng. Lục trong giỏ ra xấp bánh phồng nếp với cặp nẹp tre, bà lập cập chao nghiêng miếng bánh tròn tròn trên miệng lửa trong chờn vờn sương sớm…

Thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: M. Hg.
Thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: M. Hg.

Trong số rất nhiều câu chuyện cóp nhặt  sau hơn chục năm làm việc ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang của ông Trần Văn Danh có hình ảnh bếp lửa đượm nồng và những chiếc bánh phồng nếp quê kệch của bà mẹ ấy. Bà cụ đã ngoài 70, nghe đâu nhà ở Châu Đốc. Năm nào, cứ dịp 27-7 hay ngày lễ tết, cụ cũng đón xe xuống Châu Thành, An Giang thăm con. Con trai bà hy sinh ở chiến trường Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Chú Danh kể: Bà thường đến vào buổi sáng, lúc anh em quản trang chưa quét hết lá khô rơi trong khuôn viên nghĩa trang. Lần nào bà cũng đem theo bánh phồng bởi vì: “Thằng út thích món này. Nó nói thèm ăn bánh phồng má quết. Bánh phồng nếp mới nướng vàng ươm, phồng đầy như cái gối con, bỏ vô miệng nó tan ra… Bánh phồng chứ không phải bánh đa hay bánh tráng”.

Có một ông bố khác, hành trang thăm con là một bịch bánh bò. Thứ bánh bò có rễ tre, đủ màu xanh, trắng, đỏ được đổ trong những cái khuôn nhỏ xíu hình chiếc lá. Ông bày biện các thứ ra cái dĩa nhựa đem theo, đốt nhang rồi ngồi… ăn bánh bò với con.

“Nó một miếng, tui một miếng. Hồi còn ở nhà cũng vậy. Biết tui thích ăn bánh bò, nó hay mua về rồi hai cha con ngồi ăn với nhau” - ông nói. “Nhiều lần, ông già còn mời anh em quản trang cùng ăn nhưng không ai nỡ ăn. Nhìn cái dáng gầy gò, lặng lẽ ngồi ăn, ngồi nói một mình của ông cụ trong nghĩa trang quạnh quẽ, ai cũng xót” - ông Trần Văn Danh kể.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM, người thường xuyên có mặt vào dịp 27-7 là cụ bà Võ Thị Sẫm, quê Đồng Tháp. Năm nào, cụ bà ngót 70 tuổi cũng cơm đùm, cơm nắm lên thăm chồng. Trong giỏ xách khệ nệ đủ các đặc sản miệt sông nước miền Tây. Nhưng ông nằm đâu, giữa ngút ngàn cỏ cây, giữa 14.000 ngôi mộ tại nghĩa trang này, bà còn chưa biết. Sau nhiều năm mỏi mắt chờ đợi và tìm kiếm, gần đây, bà tìm được đồng đội của ông, biết ông hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ và được quy tập về nghĩa trang này. Đến khu mộ gồm 2.500 liệt sĩ chưa biết tên, bà đặt các lễ vật lên cúng chung cho hết thảy anh em đồng chí, khấn ông vài câu rồi đốt nhang. Bà cụ đốt đúng 2.500 cây nhang, hy vọng trong số 2.500 nén tâm hương đó sẽ có một nén đến được với ông.

Càng gần đến ngày 27-7, dù không ai bảo ai nhưng anh em đang công tác tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM đều có ý chờ đợi những vị khách quen. Khách quen đó có khi là một nhóm cựu chiến binh, giàu có, nghèo có, Bắc có, Nam có.

Bất kể mưa nắng, cứ dịp 27-7, họ lại đến, mang theo  rượu, thịt, thuốc lá, bia lon. Mang theo cả cây đàn guitar, cả quyển nhật ký hay tập thơ tình của lính. Họ đàn, họ hát, kể chuyện, ngâm thơ rồi đốt thuốc, mời rượu người đã khuất như cái thời đồng đội còn ngồi kề vai bên nhau nhìn trăng trôi qua đầu súng, như chưa hề có cuộc chia ly. Khách quen đó có khi là một người phụ nữ tự mình tìm kiếm và quy tập mộ của người yêu mình về nghĩa trang để hàng năm lại dẫn con gái lên dọn cỏ, cắm hoa, nhang khói… Khách quen đó cũng là một người vợ có chồng là liệt sĩ, năm nào cũng tới xin ngủ lại một đêm tại nghĩa trang để cho “anh ấy đỡ cô quạnh”.

Làm việc ở nghĩa trang hơn 20 năm, điều khiến ông Trần Xuân Hòa, Phó Trưởng ban Quản trang TPHCM nhớ nhất là tiếng khóc con, khóc chồng của những người mẹ, người vợ, đặc biệt là những người quê ở xa, từ ngoài Bắc, ngoài Trung vào tìm mộ: “Chiến tranh đã lùi xa 35 năm nhưng tiếng khóc tôi nghe vẫn chưa hề cũ, vẫn chưa bớt đau, bớt xót, nhất là khi họ vẫn chưa tìm thấy người thân”.

Còn anh Phạm Đình Tâm, Đội trưởng đội Bảo vệ cây xanh nghĩa trang TP - người có hơn 10 năm công tác tại nghĩa trang TPHCM có một “bí quyết” để nhận ra những thân nhân liệt sĩ chưa tìm được mộ: “Đó là những ông cụ, bà cụ sờ sẫm, thắp nhang hết ngôi mộ này đến ngôi mộ khác, đi lang thang hết hàng mộ này đến hàng mộ khác rồi ngồi xuống thẫn thờ. Trước khi ra về, thể nào họ cũng vào văn phòng của ban quản trang để đòi xem danh sách các liệt sĩ có tên và không tên được quy tập về nghĩa trang. Năm nào cũng như năm nào, cũng danh sách ấy, cũng ngần ấy cái tên, xem đi xem lại đến mỏi mắt rồi các cụ buồn bã ra về. Để rồi năm sau lại đến…”.

22-7 năm nay, tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP, anh Tâm khoe với anh Hòa: “Mấy nhành phong lan có giá 150.000 đồng mà coi đẹp thiệt. Để em trồng thử, xong nhân giống ra rồi đem trang trí ngoài mộ cho anh em”.

26-7, gọi điện xuống Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh An Giang, nghe nói năm nay không thấy bà cụ đem bánh phồng đến nữa. Anh em vẫn có ý không quét lá rụng vào mỗi sáng để chờ bà mà không thấy. Chắc cụ đã gặp được con trai. Ngôi mộ ấy năm nay không có hương bánh phồng, dẫu chắc chắn vẫn ấm áp khói hương của những tấm lòng thơm thảo.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục