Sau khi kết thúc Olympic London 2012, đoàn thể thao Anh quốc đã tiến hành thực hiện một bảng đánh giá thành tích theo các tiêu chuẩn như: ngân sách đầu tư, số lượng huy chương hoặc thành tích và từ đó đánh giá hiệu quả. Nhờ thế mới có những con số thú vị như hiệu quả nhất là môn bắn súng khi đầu tư thấp nhất, không đặt chỉ tiêu HCV nhưng lại đoạt được 1 HCV, hiệu suất lên đến 300% nếu so sánh với các môn khác. Tất cả các môn mà đoàn chủ nhà tham dự đều đặt mục tiêu có huy chương, không môn nào “tham gia cho có phong trào” cả và dựa trên đó mà phân bổ ngân sách đầu tư. Cũng xin lưu ý là phân nửa số môn thi đấu của họ đã được chuyên nghiệp hóa, không cần tập trung đầu tư dài hạn.
Cách tính toán khoa học đó, thể thao Việt Nam hoàn toàn áp dụng được cho việc chuẩn bị tham gia các đại hội thể thao, đặc biệt là SEA Games, sân chơi mà chúng ta đã có thành tích ổn định hơn một thập niên qua, không nhất thiết phải chứng tỏ nội lực thêm nữa mà cần đi vào chiều sâu chất lượng. Thế nhưng, ngay cả khi thất bại tại Asiad 2010 hay London 2012, chưa thấy có những đánh giá sát sườn, với các con số cụ thể để xem xét hiệu quả đầu tư.
Bất chấp sau những lần như thế, nhiều chuyên gia khẩn thiết đề nghị thay đổi về chiến lược phát triển theo hướng đi vào trọng tâm, tránh dàn trải - nhưng mọi chuyện vẫn như cũ. Ví dụ như để chuẩn bị cho các hoạt động thể thao trong năm 2013, có đến 60 môn được tập trung dài hạn tại trung tâm HLQG 1 - Hà Nội. Để đạt mục tiêu tối thiểu 70 HCV và hạng 3 toàn đoàn tại SEA Games 27, đoàn thể thao Việt Nam cử đến 650 VĐV sang Myanmar thi đấu gần đủ các môn, dù số lượng HCV ấy chỉ được tính cho 2/3 môn mà chúng ta tham gia. Cái kiểu lấy số lượng để gom huy chương ấy vốn đã lỗi thời bởi nó làm phân tán ngân sách đầu tư cũng như dễ dẫn đến chuyện cào bằng thành tích trong thi đấu. Theo đánh giá của các chuyên gia, đấy là tư duy vẫn còn nặng tính nghiệp dư.
Trên thực tế, ở nhiều môn vốn được đầu tư chuyên nghiệp đang đem lại nhiều thành tích khả quan. Ví dụ như những môn “khó nhằn” như bơi lội, quần vợt cũng đang tiến bộ nhanh chóng nhờ phương pháp đầu tư chiều sâu cho những cá nhân nổi bật có khả năng vươn đến đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, mức ngân sách dành cho các môn này vẫn chẳng hơn nhiều so với các môn khác, nhất là khi chuẩn bị cho các sự kiện như SEA Games.
Đã đến lúc không nên dàn quân mà tiến đều như cách làm hiện nay, nhất là khi ngân sách chung dành cho thể thao đỉnh cao được Chính phủ phê duyệt không tăng vì những khó khăn chung. Không thể có chuyện một đất nước còn nhiều vấn đề cần giải quyết về kinh tế - xã hội như Việt Nam lại đông đảo đến mức ngạc nhiên các môn thể thao dù số lượng các môn có phong trào mạnh cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lẽ ra, có những môn thể thao chỉ nên dừng ở mức độ phong trào, khuyến khích xã hội hóa tối đa chứ không chỉ vì có thành tích quốc tế lại vội vã đưa vào kế hoạch đầu tư để tìm kiếm thêm thành tích vốn chẳng có gì bền vững. Trong khi đó, những môn trọng điểm đang rất cần nguồn ngân sách lớn, dài hạn. Những bài học về bóng gậy, đá cầu…vẫn đáng để nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm…
VIỆT QUANG