Bên cạnh đó, lãnh đạo các CLB, HLV hay cầu thủ đưa ra những phát ngôn gây ảnh hưởng xấu đến VFF cũng như cho giải đấu đang tham gia cũng sẽ bị xử phạt nặng, không có chuyện bỏ qua hay du di như trước. Các vấn đề liên quan đến chuyện hành xử trên sân cỏ và ngoài sân cỏ hoặc xấu xí hơn là nổi loạn trên các khán đài, có dấu hiệu tiêu cực trong thi đấu, nghi vấn tiêu cực từ đội ngũ trọng tài… sẽ được giám sát chặt chẽ, xử lý bằng các giải pháp được chuẩn bị từ trước, không ngoài mục đích tạo nên môi trường bóng đá trong sạch, chuyên nghiệp.
Sự quyết liệt của những nhà quản lý cần được ủng hộ. Đây là mùa giải thứ 20 từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang chuyên nghiệp. Cho dù vài vấn đề của một giải đấu chuyên nghiệp vẫn chưa được giải quyết rốt ráo như trọng tài, chuyện kinh doanh “bóng đá nuôi bóng đá” bằng bản quyền truyền hình, V-League vẫn có một bước tiến rất dài. Ở đó, 8 trong số 14 CLB dự giải năm 2021 đều là những đội bóng được các doanh nghiệp đầu tư từ đầu và nhóm đội bóng tư nhân này cũng đã đoạt 12 trong số 19 chức vô địch V-League. Như vậy, dù chưa có tổng kết đầy đủ về giai đoạn phát triển đã qua nhưng có thể thấy, lộ trình của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đúng hướng. Thế nên, không có nhiều bất ngờ khi làng cầu nội địa đã vượt qua những thách thức trong năm 2020 một cách ngoạn mục để khởi đầu mùa giải năm 2021 sớm nhất trong lịch sử nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của đội tuyển quốc gia dịp cuối năm.
Tinh thần đó cần được phát huy. Cụ thể ở đây là tính trách nhiệm của những thành phần tham gia vào bóng đá chuyên nghiệp. Vì một số lý do khách quan, những công nghệ hiện đại như VAR hay Goal-line vẫn chưa thể được triển khai trên sân cỏ nhằm đem đến các trải nghiệm tốt hơn cho người hâm mộ nhưng việc thay đổi cách hành xử văn minh là chuyện đã quá trễ để làm cho tốt. Không thể có chuyện các thành viên của những đội bóng vẫn tiếp tục tranh cãi trọng tài, phê phán nhà tổ chức ở các hình thức phi truyền thống, không tuân thủ các quy tắc trong thi đấu… Đây là những yếu tố hoàn toàn thuộc về nhận thức, có thể áp dụng ngay tức thì và về nguyên tắc, lợi ích trước mắt thuộc về các CLB khi nâng cao được hình ảnh chuyên nghiệp, tạo tính đoàn kết trong nền bóng đá. Những việc buộc phải làm mà chưa thực thi đúng, đủ thì cho dù có áp dụng VAR hay nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài, bản chất vẫn không thay đổi. Tính chuyên nghiệp khó nâng cao.
Hơn nữa, vượt qua được giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19 nghĩa là đã bước qua được thử thách gian nan nhất. Phía trước chắc chắn có nhiều thuận lợi, cần được tận dụng để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyên nghiệp. Nói cho cùng, càng “nhà nghề hóa” bóng đá càng nhanh thì lợi ích lớn nhất thuộc về CLB, cầu thủ và những thành phần liên quan. Bóng đá chuyên nghiệp luôn gắn liền với hình ảnh văn minh, fair-play, kịch tính… bởi đó chính là những yếu tố thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào quảng cáo, tài trợ. Chưa kể, bóng đá càng văn minh, chất lượng thi đấu cao hơn, khán giả sẽ yêu mến và trung thành hơn.
Mùa giải năm 2021 của bóng đá Việt Nam đã bắt đầu, khi mà những khoảnh khắc đẹp đẽ, sang trọng tại đêm Gala trao giải Quả bóng vàng Việt Nam năm 2020 vẫn còn nguyên vẹn, hẳn cũng là niềm cảm hứng cho cầu thủ, HLV và những nhà làm bóng đá nhận thấy trách nhiệm nhiều hơn.