Sáng 16-6, trên 95% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM - một trong những dự án giao thông trọng điểm quốc gia và là dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhất ở khu vực phía Nam từ trước đến nay, với con số 75.378 tỷ đồng.
Nhìn xa hơn, sâu hơn, dự án này không chỉ là lời giải cho bài toán giao thông nội thị (nhất là khu vực TPHCM), giao thông kết nối liên vùng (TPHCM - Đồng Nai - Bình Dương - Long An), tạo lập bệ phóng phát triển bền vững cho từng địa phương trong tổng thể cân bằng nội lực cho cả toàn vùng; mà còn xác lập tính công bằng trong chiến lược đầu tư phát triển các vùng trọng điểm quốc gia.
Nếu xem hạ tầng giao thông là điểm tựa để TPHCM bứt phá, dẫn dắt mọi nẻo đường phát triển thì dự án đường Vành đai 3 là “hoa tiêu” chủ lực. Con đường huyết mạch nối hai miền Đông - Tây Nam bộ này sẽ đảm bảo tính chất vành đai của nó khi từ nút giao Tân Vạn (cửa ngõ của hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP Thủ Đức - TPHCM) có thể lên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, qua đường cao tốc TPHCM - Trung Lương; nếu rẽ qua hướng Củ Chi, cung đường Vành đai 3 sẽ tiếp với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh - chuẩn bị xây dựng), hướng về Long An lại nối vào nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - TPHCM - Trung Lương, tạo một vòng lưu thông khép kín.
Một thực tế cần phải đối diện: TPHCM và các phân khu phát triển của mình đang bị chính các đô thị nội vùng cạnh tranh. Những định hướng không gian thành phố trước đây có phần “đóng” theo ranh giới hành chính mà không tính toán đến lợi thế cạnh tranh tương đối của cả vùng hoặc hơn thế là chủ động điều phối phân công lao động trong chuỗi giá trị toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Liệu một cảng Hiệp Phước (Nhà Bè - TPHCM) có thể cạnh tranh nổi với cảng quốc tế Long An hay cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép? Hoặc việc tập trung cho khu vực đô thị Tây Bắc - Củ Chi thì cũng cần xác lập rõ ưu thế dẫn dòng, nhất là cung ứng nguồn dịch vụ - hạ tầng cho hai thủ phủ công nghiệp Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Mỹ Phước (Bình Dương) hơn là tham gia cuộc cạnh tranh “mất sức”. Chính sự kết nối liên thông của dự án đường Vành đai 3 một mặt giải phóng những tắc nghẽn lẫn… vòng vo của các tuyến giao thông xuyên tâm, nội thị; mặt khác cũng tái cấu trúc một số công năng thật sự liên quan đến cảng, đô thị cảng, dịch vụ logistic vốn đã được quy hoạch, vận hành trước đây.
Với dự án Vành đai 3, Chính phủ giao UBND TPHCM làm cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Điều này cũng đồng nghĩa TPHCM cần đảm bảo vai trò điều phối vùng thông qua việc sẽ điều phối hiệu quả việc tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 3, đề xuất cải cách thể chế liên quan đến hội đồng điều phối vùng (thông qua các đồ án quy hoạch chuẩn bị thực hiện). Những bài học về huy động nguồn lực thực hiện dự án, trách nhiệm cụ thể của từng địa phương nơi có đường dự án đi ngang qua, sự phối hợp tháo gỡ, thúc đẩy được bạch hóa theo từng giai đoạn, lộ trình đều đã được lãnh đạo các tỉnh thành ngồi lại và “vỡ hoang” cũng như chốt lại bằng những cam kết. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của 4 địa phương cũng như trách nhiệm “bảo trợ” - giám sát chặt chẽ của Chính phủ và Quốc hội.
Mà một trong số ấy là phải giải cho ra kết quả đúng, trúng và… hay bài toán huy động nguồn vốn; trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng và thực thi công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công bằng, minh bạch là một thách thức không nhỏ. Theo đó, lãnh đạo các tỉnh thành liên quan đã xác định rõ sẽ phải thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch ngay trong giai đoạn 1 để quản lý tốt quỹ đất, hạn chế tình trạng tăng kinh phí giải phóng mặt bằng ở giai đoạn hoàn chỉnh xúc tiến cùng lúc việc xây dựng khung chính sách, tổ chức thực hiện kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tất cả các công đoạn sẽ phải đảm bảo tính công khai, minh bạch; vừa phục vụ lợi ích chung vừa đảm bảo công bằng, ổn định cuộc sống của người dân, cơ quan, tổ chức có đất bị thu hồi.
Nhìn chung, việc nghĩ đến túi tiền ngân sách thôi là không nên, không thể mà còn phải tìm cách đa dạng hóa cách thức huy động vốn, miễn là hợp lý và hợp pháp, sau đó có thể cân đối. Muốn vậy, TPHCM và các tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các phương thức huy động tài chính khác như đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác quỹ đất ven đường, thoái vốn - cổ phần hóa các doanh nghiệp để có được nguồn lực (tiền) phát triển giao thông…
“Việc hoàn thiện đường Vành đai 3 không chỉ là vấn đề giao thông mà là kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới và tạo động lực mới cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới” - phát biểu tâm huyết của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng chính là lời cam kết bằng hành động để “điểm đầu” TPHCM kết nối liên hoàn với các điểm trung chuyển, tiếp tuyến và điểm cuối cho cung đường đi tới tương lai bền vững của một vùng kinh tế - văn hóa trọng điểm phía Nam.