Tại TPHCM, quảng cáo cho vay nặng lãi được dán nhan nhản trên các trụ điện, gốc cây. Sau khi bị báo chí bóc mẽ, dư luận phê phán, nay những người cho vay nặng lãi đã chuyển hướng sang quảng cáo cho vay trực tuyến, tràn lan trên nhiều trang mạng, khiến không ít người lầm tưởng là của các ngân hàng…
Những chủ nợ “tốt bụng”
Chị Hạnh (ngụ tại quận 1) than đang nhức đầu về việc một người em của chị nghe theo các quảng cáo trên mạng, đã cầm cố sổ hộ khẩu để vay nóng. Lên mạng gõ từ khóa “vay tiền nhanh trong ngày” là hiện ngay hàng loạt trang web rao cho vay, từ vay có ngay sau 30 phút, đến vay có sau 1 giờ, rồi vay tiền mặt trả góp trong ngày, vay tiền nóng gấp không thế chấp, vay nóng trong ngày… Thú thực, chỉ đọc vài trang, nếu không hiểu rõ ngọn ngành chuyện vay tiền, nhiều người lầm tưởng đây là các ngân hàng đứng ra cho vay với những mức lãi suất “mơ không thấy nổi”. Trang vaytiennhanh giới thiệu người vay chỉ phải trả mức lãi dao động 3,6%/năm, tương đương 0,3%/tháng. Cụ thể, vay 6 tháng, lãi suất 0,8%/tháng, nếu vay lâu hơn thì lãi thấp hơn, như vay 9 - 12 tháng, lãi chỉ 0,4%/tháng, vay từ 36 - 48 tháng, lãi chỉ 0,3%/tháng. Có trang cho vay khá thoải mái, như vay 10 triệu đồng, chỉ cầm cố bằng lái và hộ khẩu, vay từ 10 - 30 triệu đồng thì cầm CMND và hộ khẩu. Lời lẽ trên các trang này như chiếc phao cứu sinh cho những người đang cần tiền gấp với điều kiện vay dễ dàng, không phải chứng minh thu nhập, không cần phải có công việc ổn định hay kinh doanh có giấy phép…
Một lời rao quảng cáo cho vay nóng trong ngày
Gọi vào số điện thoại tại một trang rao cho vay, không thấy đầu bên kia trả lời, nhưng một lát sau, một số điện thoại lạ gọi vào máy chúng tôi, giọng nam hỏi có phải vừa gọi vào số 0989… không. Chúng tôi xác nhận và nói đứa cháu ở tỉnh sắp vào nhập học tại TPHCM cần vay 10 triệu đồng, anh này nói chỉ cho vay ngắn hạn, vay 10 triệu đồng, trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 280.000 đồng cả gốc lẫn lãi. Tính ra vay 10 triệu đồng, trả 14 triệu trong vòng gần 2 tháng. Tính cách khác là lãi suất 20%/tháng.
Có thể nói, mức lãi suất được quảng cáo trên các trang mạng đều là… không thật, chỉ nhằm mục đích chiêu dụ khách hàng, còn thực tế thì người vay phải trả mức lãi khủng!
Choáng với lãi suất 150%/tháng
Chị Hạnh sụt sịt kể về tình cảnh người em: Giờ vợ một đằng, con một nẻo vì vay nặng lãi. Lần trước nó đi vay đứng vay ngồi theo mấy địa chỉ cho vay ngoài gốc cây, trụ điện, rồi không trả nổi, phải trốn biệt. Mấy đêm liền tụi giang hồ đòi nợ ném tới tấp mắm tôm vào nhà, mẹ tôi phải móc bọc tiền tích cóp bấy lâu để trả thay. Xong lần ấy, cả nhà kiên quyết đuổi thằng em tôi về nhà bên vợ. Bẵng một thời gian, nó lại mò về, nói xin tách khẩu, làm hộ khẩu ghép để tiện giấy tờ cho mấy đứa con đi học. Nào ngờ tách hộ khẩu xong, nó mang hộ khẩu và CMND đi vay tiền rao trên mấy trang mạng. Trước đó không lâu, anh hàng xóm ở nhà đối diện thấy nó về nhà, dẫn theo 2 người đàn ông, nhìn nhìn ngó ngó một hồi rồi bỏ đi. Mới chiều hôm kia, 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ đầy người đến tìm mẹ tôi, đòi trả tiền do nó vay và thế chấp bằng CMND và sổ hộ khẩu mới tách. Mẹ tôi nói nó không còn ở đây nữa, họ một mực cho rằng “Hôm trước nó dẫn tụi tôi đến đây đàng hoàng, nhà cửa có, sổ hộ khẩu đúng địa chỉ, sao nói không có”.
Nói sao họ cũng không chịu, tôi hỏi nó vay bao nhiêu, họ cho biết vay 5 triệu đồng, lãi góp mỗi ngày 250.000 đồng, đã góp được 5 ngày (tức góp được 2,5 triệu đồng). Gia đình tôi năn nỉ họ ngưng tính tiền lãi, chỉ chốt nợ gốc để trả. Mẹ tôi vay mượn được 4 triệu đồng đưa cho họ để xin chuộc lại giấy tờ, còn nợ 1 triệu đồng sẽ trả trong vòng 1 tuần. Họ đồng ý, nói về lấy giấy tờ, nhưng khoảng một tiếng sau quay trở lại thì chỉ đưa cho nhà tôi bản phô tô hộ khẩu.
Trong thực tế, trường hợp phải gánh hậu quả nặng nề do vay trực tuyến lãi khủng như gia đình chị Hạnh không phải là ít. Tuy mức lãi suất là do bên cho vay và người vay tự nguyện thỏa thuận, nhưng nếu với mức 5%/ngày (tức 150%/tháng) như vụ việc nói trên thì thật khó chấp nhận, cần có sự điều chỉnh của pháp luật và cơ quan chức năng.